Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sở hữu bằng lái xe hạng B1 vẫn được điều khiển ô tô

Thứ Năm, 02/07/2020 11:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Thời gian qua, do chưa tìm hiểu kỹ nội dung Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) sửa đổi nên khá nhiều người có tâm lý lo lắng khi cho rằng những người sử dụng bằng B1 sẽ không được lái ô tô. Tuy nhiên, đây là thông tin không chính xác, không có trong Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi.

 

Ảnh minh họa 

Để tìm hiểu  vấn đề đã nêu, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục đường bộ Việt Nam). Qua trao đổi được biết:  Việc thay đổi các hạng giấy phép lái xe (bằng lái xe) là nhằm làm cho giấy phép lái xe (GPLX) của người Việt Nam phù hợp hơn với chuẩn quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam sử dụng GPLX khi tham gia giao thông ở nước ngoài và ngược lại, cho người nước ngoài sử dụng GPLX khi tham gia giao thông tại Việt Nam. Đồng thời cũng là đảm bảo thực hiện các cam kết của Nhà nước Việt Nam đã ký kết, khi tham gia Công ước Viên từ năm 1968 về giao thông đường bộ.

Theo dự thảo, hạng GPLX theo Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 sẽ được chuyển đổi sang hạng GPLX mới, tương tự như việc chuyển đổi GPLX Việt Nam sang GPLX quốc tế đã được thực hiện từ năm 2015, theo quy định tại Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06/7/2015 của Bộ GTVT quy định về cấp và sử dụng GPLX quốc tế. Việc điều chỉnh phân hạng GPLX này sẽ không ảnh hưởng, cũng như không phát sinh thêm các thủ tục và chi phí cho người dân. Đối với những người đã được cấp GPLX trước khi có Dự thảo Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) thì vẫn tiếp tục được sử dụng GPLX cho đến khi hết thời hạn sử dụng ghi trên giấy phép. Trong trường hợp hết hạn, thì được đổi sang GPLX theo hạng mới. Trong đó GPLX hạng A3 thì được đổi sang GPLX hạng B1; GPLX hạng B1 số tự động được đổi sang GPLX hạng B2; GPLX hạng B1, B2 số sàn được đổi sang GPLX hạng B.

Như vậy, khi chuyển đổi hệ thống tên gọi các hạng GPLX theo luật mới, sẽ không “hồi tố” đối với các bằng lái xe cũ. Khi đó người sử dụng sẽ không bắt buộc phải thi lại GPLX hoặc đổi GPLX. Khi luật mới được thông qua và có hiệu lực, những ai có nhu cầu muốn đổi, cấp mới hoặc cấp lại GPLX sẽ được cơ quan chức năng cấp cho GPLX theo mẫu mới. 

Cũng có nhiều người hiểu lầm rằng, theo Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, người sử dụng GPLX hạng A1 cũ sẽ không được điều khiển xe máy có dung tích 125cc trở lên. Nhưng theo giải thích của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, những ai đã có GPLX hạng A1 (không có thời hạn), thì vẫn được điều khiển xe máy có dung tích 125cc trở lên đến 175cc, không cần đổi sang GPLX mới.

Tuy nhiên, điểm mới tại Dự thảo Luật GTĐB là có thêm hạng GPLX A0, cấp cho xe máy có dung tích động cơ dưới 50cc và các loại xe máy điện có công suất dưới 4kW. Đây là điều chỉnh rất phù hợp với thực tế hiện nay trong giao thông đô thị, nhằm tạo điều kiện cho những người có nhu cầu sử dụng các loại phương tiện này.

Theo quy định cũ, hiện nay người sử dụng có tất cả 12 hạng GPLX, bao gồm: A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE. Còn tại Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất chia GPLX thành 17 hạng khác nhau gồm: A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE theo đúng với hệ thống GPLX của các nước tham gia Công ước Viên 1968.

Như vậy có thể thấy, những ý kiến lo ngại, theo Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi thì người sử dụng GPLX hạng B1 sẽ không được lái ô tô, và người sử dụng GPLX hạng A1 cũ sẽ không được điều khiển xe máy có dung tích 125cc trở lên là hoàn toàn không chính xác. Người dân cần nắm rõ những nội dung của dự thảo để tránh tâm lý lo lắng không cần thiết./.

Nguyên Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN