Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Điều kiện để bảo hiểm đền bù ô tô bị thiệt hại do mưa lũ?

Thứ Hai, 09/09/2024 15:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Khi ô tô bị cây đổ, ngập nước, thiệt hại sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường nếu khách hàng đã mua gói bảo hiểm vật chất xe. Còn nếu chủ sở hữu chỉ tham gia loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe thì khi phương tiện đó bị hư hỏng, thiệt hại sẽ không được bồi thường.

Cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã đổ bộ đất liền Việt Nam ngày 7/9/2024, ảnh hưởng trực tiếp tới các khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ, gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to, gió giật mạnh.

Tại các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sơn La…, bão đã làm nhiều cây xanh bật gốc, gây tổn hại về người và tài sản, hàng loạt xe ô tô bị cây đè, cột điện đổ vào, bảng hiệu rơi trúng hay ngập trong nước. Nhiều chủ xe lo lắng không biết với trường hợp rủi ro này phía bảo hiểm sẽ bồi thường ra sao?

Bạn đọc Dương Minh Thao, sống tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Bão số 3 quá khủng khiếp với người dân. Gió mạnh kèm mưa to gây ngập lụt, nước sông Cầu dâng nhanh. Rất may nhà tôi ở khu vực cao nên không bị ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng nhiều đồng nghiệp tôi đang rất lo lắng vì xe ô tô trong sân nhà, sân cơ quan bị ngập nước. Thiệt hại quá lớn”.

Xét về góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Văn Kỹ (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh), việc xe bị hư hại do bão lũ hay ngập úng là kết quả từ các yếu tố thiên nhiên, không phải do lỗi của con người, vì thế không thể quy trách nhiệm bồi thường cho bất kỳ cá nhân nào trong trường hợp này. Giá trị bồi thường sẽ phụ thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm đã được thỏa thuận giữa chủ xe và công ty bảo hiểm.

Chiếc xe ô tô bị thiệt hại nghiêm trọng do cây đổ tại Hà Nội (Ảnh minh họa, nguồn: Tuấn Anh/TTXVN)

Điểm đ Khoản 2 Điều 20 Mục 1 Chương II Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (Luật số: 08/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022) nêu rõ người mua bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán số tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo các điều khoản trong hợp đồng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Trong khi đó, Khoản 27 Điều 4 Chương I Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định như sau: Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Do đó, những người có bảo hiểm ô tô bị thiệt hại do thiên tai cần kiểm tra kỹ hợp đồng để xác định xem trường hợp của họ có nằm trong phạm vi bảo hiểm hay không.

Nếu trong hợp đồng đã quy định rằng thiệt hại do thiên tai là lý do để được bồi thường và không thuộc trường hợp loại trừ, thì khách hàng có quyền yêu cầu công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm khi sự kiện đó xảy ra.

Khi sự kiện bảo hiểm phát sinh, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với khách hàng và các bên liên quan để thu thập hồ sơ bồi thường, đảm bảo rằng hồ sơ này đầy đủ, chính xác và hợp pháp.

Thông thường, bảo hiểm vật chất xe ô tô sẽ bảo vệ chủ xe trước các tổn thất tài sản do những sự cố ngoài ý muốn, chẳng hạn như: va chạm, lật xe, rơi; hỏa hoạn, cháy nổ; thiên tai; mất cắp hoặc mất toàn bộ xe...

Theo nguyên tắc bồi thường trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm thì số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng có trường hợp ngoại lệ là có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Do đó, số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm nếu có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

Và, việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các nguyên tắc khác như: Nguyên tắc trung thực tuyệt đối; Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm; Nguyên tắc thế quyền; Nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên.

Trong vai trò một tư vấn viên, chị Nguyễn Thị Tuyết Minh, nhân viên kinh doanh Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm Vietinbank, trong hoàn cảnh mưa gió, nước ngập khắp nơi, khi ô tô bị cây đè, ngập nước…, chủ xe cần nhanh chóng chủ động chụp ảnh, thu thập chứng cớ và gọi điện báo cho công ty bảo hiểm về sự việc. Nếu có tổ chức, cá nhân nào làm chứng thì càng tốt.

Ngoài đền bù thiệt hại, bảo hiểm thân vỏ xe ô tô còn có thể hỗ trợ chi trả cho những chi phí thiết yếu như: chi phí để ngăn ngừa phát sinh thêm thiệt hại, chi phí cứu hộ và vận chuyển xe ô tô đến gara sửa chữa gần nhất, bồi thường toàn bộ chi phí nếu xe ô tô không thể sửa chữa.

Bên cạnh đó, số tiền bảo hiểm thân vỏ xe thường được quy định khi người mua ký hợp đồng với công ty bảo hiểm. Cách tính tiền bảo hiểm thân vỏ xe ô tô dựa trên bồi thường tổn thất bộ phận: số tiền bồi thường dựa trên báo giá của gara sửa chữa có liên kết với công ty bảo hiểm và được chủ xe chọn để sửa xe; bồi thường tổn thất toàn bộ: số tiền bồi thường toàn bộ bằng giá trị thị trường của xe trước khi xảy ra tai nạn; mức khấu trừ là số tiền mà chủ xe tự chi trả để chia sẻ với công ty bảo hiểm, nhằm giảm phí mua bảo hiểm. Trong mọi trường hợp, tổng số tiền bồi thường không vượt quá số tiền bảo hiểm ghi trên hợp đồng (theo ngày hoặc theo vụ).

Trong trường hợp ô tô bị hư hỏng do cây đè trúng, ngập nước lụt… cần được bồi thường, chủ xe hoặc người được ủy quyền cần chuẩn bị các hồ sơ bao gồm các giấy tờ xác minh chủ quyền xe: căn cước công dân hoặc hộ chiếu của chủ xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe; giấy chứng nhận/hợp đồng bảo hiểm; giấy tờ liên quan đến thiệt hại về người: giấy ra viện, chứng nhận phẫu thuật, giấy chứng thương hoặc chứng tử; hóa đơn, chứng từ sửa chữa, thay mới các bộ phận xe ô tô, hoặc các chi phí hợp lý khác mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu thiệt hại, theo hướng dẫn của công ty bảo hiểm.

“Nếu vị trí phương tiện đậu đỗ không vi phạm pháp luật thì phía bảo hiểm sẽ có thêm cơ sở để trao đổi phương án bồi thường với chủ xe”, chị Minh tư vấn.

Cũng theo luật sư Kỹ, do thực trạng hạ tầng giao thông tĩnh hiện nay trên toàn quốc nói chung và ở các thành phố lớn nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu nên một số chủ xe ô tô vẫn đỗ xe miễn phí trước cửa nhà, khu vực quanh chung cư, đường ngõ… mà không gửi trong các bãi đỗ xe công cộng, hầm chung cư (có thu phí) nên công ty bảo hiểm cũng có thể căn cứ vào đây để quyết định có bồi thường hay không, tỷ lệ bao nhiêu….

Riêng với phương tiện ô tô đỗ trong bãi, bị mái tôn, cây xanh đè bẹp, thường chủ bãi xe sẽ có một khoản bồi thường nhất định. Căn cứ pháp lý quan trọng nhất là hợp đồng gửi xe. Đáng tiếc là vẫn có một số trường hợp hai bên thỏa thuận bằng lời nói, bằng sự quen biết, tin tưởng nhau nên khi xảy ra sự việc đáng tiếc sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định liên quan tới đền bù, bồi thường thiệt hại./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN