Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới sắp chạm ngưỡng 218 triệu

Thứ Ba, 31/08/2021 09:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tính đến sáng 31/8, thế giới ghi nhận 217.877.993 ca nhiễm COVID-19, với 4.523.172 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 515.847 ca mắc mới, trong đó, Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với 119.642 ca.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh tại trường THPT  Woodrow Wilson ở Los Angeles, California, Mỹ, ngày 30/8/2021. (Ảnh: Xinhua)

 Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 31/8 cho thấy, hiện toàn thế giới có 194.731.533 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.623.288 ca bệnh đang điều trị thì có 18.509.551 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 113.737 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới. 

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 31/8, hiện 39,7% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 5,25 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 39,58 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp vẫn còn khiêm tốn, chỉ ở mức 1,6%.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 55.200.578 trường hợp, trong đó có 1.171.627 ca tử vong và 50.312.805 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 93.076 ca mắc mới.

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge, ngày 30/8 dẫn một dự báo đáng tin cậy cho rằng, châu Âu có thể ghi nhận thêm 236.000 ca tử vong vì COVID-19 trong 3 tháng tới. Nguyên nhân của nguy cơ trên là do tỷ lệ lây nhiễm ở châu Âu đang ở mức cao do sự hoành hành của biến chủng Delta, sự “nới lỏng quá mức" các biện pháp hạn chế , sự gia tăng các hoạt động đi lại của người dân trong mùa hè, cùng với đó là tốc độ tiêm chủng trong khu vực đang chậm lại. Trong 53 quốc gia thành viên của WHO tại châu Âu, thì có đến 33 quốc gia đã chứng kiến số ca nhiễm tăng hơn 10% trong hai tuần qua.

Hiện Bắc Mỹ có 47.916.820 ca nhiễm bệnh, trong đó có 992.713 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 39.946.708 ca nhiễm và 656.393 ca tử vong vì COVID-19. Hiện mỗi ngày quốc gia này ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta. 

Tính đến sáng 31/8, Nam Mỹ có 36.882.817 ca nhiễm COVID-19, với 1.129.237 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 20.752.281 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Hiện châu Á đang là “điểm nóng dịch bệnh trên thế giới”, với 69.880.071 ca nhiễm COVID-19. Trong nhiều ngày qua, khu vực này luôn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 tính theo ngày.

Tính đến sáng 31/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 7.836.001 trường hợp, trong đó có 195.912 ca tử vong và 6.941.109 ca bình phục.

Trong một nỗ lực nhằm cải thiện tình hình dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) cho biết Pháp và Liên minh châu Phi (AU) đã thiết lập quan hệ đối tác mới, theo đó Pháp sẽ ủng hộ Quỹ Mua lại vaccine châu Phi (AVAT) 10 triệu liều vaccine Astra Zeneca và Pfizer COVID-19 trong 3 tháng tới. Số lượng vaccine trên sẽ được phân bổ và phân phối bởi sáng kiến AVAT và Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19 (COVAX). 

Trong khuôn khổ phiên họp “G20 gắn kết với châu Phi” vừa diễn ra tại Đức, Tổng thống Nam Phi đã thể hiện quan ngại trước thực trạng tiêm chủng không đồng đều đang đe dọa nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trên thế giới. Theo số liệu thống kê, hiện chỉ chưa tới 2% dân số châu Phi được tiêm chủng COVID-19, trong khi con số này ở các nước phát triển là khoảng 60%

Sáng 31/8, châu Đại Dương có 160.985 trường hợp nhiễm COVID-19, với 2.141 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 52.624 ca, tiếp theo sau là Fiji với 46.211 ca./.

T.Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN