Số ca mắc bệnh chân tay miệng gia tăng tại nhiều địa phương
(ĐCSVN) - Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước.
Phụ huynh không nên chủ quan khi thấy con có các biểu hiện mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, bàn chân, bàn tay,... (Ảnh: B.V) |
*Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến ngày 22/4, số ca mắc bệnh tay, chân, miệng ở trẻ em là 433 trường hợp, tăng trên 98% so với cùng kỳ năm 2023; phát hiện, xử lý 4 ổ dịch tay chân miệng. Liên tiếp hai tuần gần đây, số ca mắc tăng nhẹ với khoảng 30 ca/tuần.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, Sở đã tập trung tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn như: phun thuốc khử khuẩn tại gia đình, trường học; đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền như: phát tờ rơi, khuyến khích người dân tích cực tham gia phòng, chống bệnh.
*Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần 17 (từ 22/4 đến ngày 28/4), Thành phố ghi nhận 309 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 20% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 17 là 2.974 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Nhà Bè, quận 6 và huyện Bình Chánh.
* Tại Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 18/4/2024, Hà Nội ghi nhận 585 ca mắc bệnh tay chân miệng (tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), chưa ghi nhận ca tử vong. Ngoài ra, Hà Nội đã ghi nhận 9 ổ dịch từ đầu năm đến nay.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng phân bố rải rác ở 28 quận, huyện, trong đó một số địa bàn có nhiều bệnh nhân, gồm: Ba Vì 23 ca, Hà Đông 14 ca, Thanh Trì 12 ca, Ba Đình và Hoàng Mai đều ghi nhận 10 ca. Trong tuần, có thêm 3 ổ dịch tay chân miệng, trong đó huyện Ba Vì ghi nhận 2 ổ dịch và quận Thanh Xuân có 1 ổ dịch.
Mỗi năm, dịch bệnh tay chân miệng có 2 chu kỳ đỉnh dịch vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10. Hiện, Hà Nội bước vào đỉnh dịch tay chân miệng chu kỳ lần 1.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Hoàng Minh Đức cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh, trong đó có bệnh tay chân miệng.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị, UBND các tỉnh, TP chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch./.