Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sẽ thích ứng ra sao trong bối cảnh giá phân bón tăng cao?

Thứ Sáu, 02/07/2021 07:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) -Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng trên thế giới thì giá vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp cũng không phải là ngoại lệ. Gần đây nhất, giá mặt hàng phân bón đang tăng cao đã gây không ít khó khăn trong sản xuất của người nông dân.

(Ảnh minh họa/VT)

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá phân bón, nhất là giá phân bón DAP, phân đạm ure đã tăng khá cao. Theo số liệu của World Bank cho thấy, giá DAP ngay tháng 4/2021 tăng 54% so với tháng 9/2020.

Tại Việt Nam, trong quý I/2021, giá bán các mặt hàng phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá thế giới. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2021 đến nay, mặt bằng giá phân bón tại Việt Nam cũng điều chỉnh tăng theo quy luật thị trường thế giới. Hơn nữa, theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6/2021 cũng tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%,...

Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, đại diện Cục Hóa chất trực thuộc Bộ đã thông tin, phân bón đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Chỉ ra nguyên nhân khiến giá phân bón tăng, Cục Hóa chất cho rằng, hiện, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa. Đồng thời, giá phân bón trong nước có sự liên thông với giá phân bón thế giới, các chi phí về nguyên liệu sản xuất, nên khi giá nguyên liệu sản xuất phân bón thế giới tăng, giá phân bón trong nước cũng tăng theo.

Phân tích thêm về nguyên nhân dẫn đến giá phân bón tăng cao, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, do chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào đối với phân bón tăng rất mạnh, ví dụ như: amoniac, lưu huỳnh… đều tăng từ 50-120% so với cùng kỳ của năm 2020 và so với nhiều năm trước đây. Giá nguyên liệu tăng rất mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến giá phân bón tăng lên. Tiếp đến phải kể đến việc logistic bị đứt gãy nhiều công đoạn và các chi phí liên quan đến logistic tăng rất cao, trong đó có thể kể đến cước phí vận chuyển, tăng từ 3-5 lần (một con số không hề nhỏ), điều này đã tác động đến giá thành vật tư cho sản xuất phân bón.

Trước tình hình giá phân bón tăng cao, Cục Bảo vệ Thực vật đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp như: Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau và những doanh nghiệp lớn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Kết quả các buổi làm việc trên cho thấy, các doanh nghiệp này đều tăng sản lượng sản xuất phân bón trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt một số loại phân bón có sản lượng tăng từ 15-30%. Về vấn đề để giảm giá bán phân bón, hiện nay, chỉ tính giá của vật tư nhập đầu vào tăng theo giá trị trường để kiềm chế giá.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ Thực vật cũng đã có đề xuất giảm lượng xuất khẩu phân bón để lấy nguồn nguyên liệu này phục vụ cho sản xuất trong nước. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón của nước ta đạt trên 218 triệu USD. “Ngay từ đầu tháng 4, khi tình hình căng thẳng, một số khâu phân phối trong nước của chúng ta đứt gãy dẫn tới một số vùng sản xuất có giá phân bón tăng rất mạnh, Cục đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp lớn, để đánh giá lại tình hình sản xuất phân bón của các doanh nghiệp này. Thứ nữa, cũng nắm bắt được việc giá bán phân bón ra khỏi nhà máy là bao nhiêu, kênh phân phối ra sao?. Đồng thời, các doanh nghiệp đã cam kế sản xuất tối đa công suất, công khai niêm yết giá phân bón ra khỏi vùng nhà máy và ưu tiên phân phối vào vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của chúng ta. Các doanh nghiệp cam kết chung tay đồng hành cùng người dân để làm sao giá phân bón đến tay người nông dân với một mức giá hợp lý” – ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Trung, trước tình hình giá phân bón tăng cao, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin, có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và theo dõi giám sát giá cả phân bón trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, theo Cục trưởng Hoàng Trung, để giải quyết vấn đề khi giá phân bón tăng cao, Cục đã có văn bản hướng dẫn, khuyến cáo người nông dân căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nhất theo nguyên tắc “5 đúng”.

Đáng chú ý, Cục trưởng Hoàng Trung cho rằng, khi tình hình giá phân bón tăng cao, các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn, khuyến khích người dân sử dụng tối đa phân bón hữu cơ. Đây chính là chương trình trong những năm vừa qua chúng ta đã làm rất tốt, phân bón hữu cơ đã tăng từ mức 0,8 triệu tấn trước đây lên 2,63 triệu tấn năm 2020. Đây cũng chính là giải pháp mà người dân cần tiếp tục phát huy trong điều kiện hiện nay, sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn nữa trong thời gian tới bởi chúng ta có nguồn phụ phẩm phục vụ cho sản xuất phân bón hữu cơ rất phong phú, từ phụ phẩm chăn nuôi, thủy sản…

Nếu sử dụng tốt nguồn phân bón hữu cơ sẽ giúp cho người nông dân thay thế một phần phân bón vô cơ. Trong khi đó, phân bón hữu cơ không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bảo vệ hệ sinh thái đất cho nông nghiệp, đảm bảo độ tơi xốp và hàm lượng dinh dưỡng cho đất.

Bàn về vấn đề giá phân bón tăng cao trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhìn nhận, phân bón là một loại thiết yếu trong sản xuất trồng trọt. Dĩ nhiên giá phân bón tăng lên sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của người dân, dẫn đến tăng cao giá thành của sản phẩm trồng trọt, tăng giá bán và từ đó giảm sự cạnh tranh của sản phẩm.

“Việc tăng giá bất kể vật tư đầu vào nào đều ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất, do vậy, đề xuất của chúng tôi là người dân cần có biện pháp sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm để làm sao chúng ta giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả sản xuất” – ông Cường cho hay.

Nhìn nhận việc giá phân bón tăng cao là quy luật của thị trường thế giới, Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần chấp nhận vấn đề này, tuy nhiên, từ đây cũng cần xem đây là cơ hội để cơ cấu lại ngành phân bón trong nước, phù hợp với tình thế.

Bộ trưởng lấy ví dụ tại một số nước, rơi vào hoàn cảnh tương tự như nước ta, khi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vật tư nông nghiệp, từ thức ăn chăn nuôi đến phân bón… dẫn đến giá các mặt hàng này tăng cao, gây khó khăn cho công tác đầu tư và chi phí sản xuất cho người nông dân. Tuy nhiên, ngay lập tức, các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu của các nước này đã bắt tay ngay vào việc tìm những nguyên vật liệu khác để thay thế nguồn nguyên liệu đang có giá tăng cao vốn do đứt đoạn của cung – cầu thế giới, từ đó, mang lại hiệu quả cho sản xuất cho người nông dân.

Phân tích trên của Bộ trưởng khẳng định rõ nét hơn về tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến logistic, cước phí vận chuyển cao và nhiều hệ lụy khác, vì lẽ đó,  đội giá thành mặt hàng phân bón là hiển nhiên. Do đó, thay vì lo lắng khi giá đầu vào tăng, hãy nhìn nhận vấn đề này như là một quy luật tự nhiên, tất yếu của thị trường. Điều cần thấy ở đây là chúng ta phải làm sao để có những giải pháp đảm bảo phân bón được sử dụng hợp lý, quan trọng hơn cả là đưa ra giải pháp giúp người nông dân chỉ phải bỏ ra mức đầu tư phân bón không quá cao nhưng vẫn có hiệu quả cho sản xuất hoặc có thể tìm kiếm các nguyên vật liệu thay thế hiệu quả. Đây là một "bài toán" buộc chúng ta, nhất là các cơ quan liên quan phải chủ động tìm "lời giải" sao cho thiết thực và phù hợp với điều kiện, đặc điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Dự báo tác động của dịch COVID-19 sẽ còn phức tạp làm đứt gãy các chuỗi cung ứng cung – cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá của các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của ngành nông nghiệp, tất nhiên không chỉ riêng đối với ngành phân bón. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng và người sản xuất cần chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp, những cách làm sáng tạo để thích ứng với tình hình mới, tránh để rơi vào tình thế bị động, gây tâm lý hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng đến chính sản xuất, lợi nhuận của người nông dân, từ đó, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất chung của ngành Nông nghiệp.

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN