Se lanh, dệt vải ở bản Cát Cát
(ĐCSVN) - Nằm yên bình dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn, giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, giai điệu hoạ mi rừng trong trẻo, luyến láy ngân dài, phụ nữ H’Mông bản Cát Cát mải miết se lanh, dệt vải, giới thiệu với du khách giá trị thẩm mỹ một tộc người, nơi núi rừng Tây Bắc của đất nước.
Bản Cát Cát, xã San Sả Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai của người H’Mông nằm cách trung tâm Sa Pa chừng 2 km, nghề se lanh, dệt vải ở đây đã được những phụ nữ H’Mông lưu truyền qua nhiều thế hệ, qua tục lệ bà/mẹ truyền dạy cho con/cháu gái.
Dệt thổ cẩm đã thẩm thấu vào đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của người H’Mông. Trong lễ cưới của mình, các cô gái H’Mông mặc những bộ váy áo thổ cẩm do chính mình dệt ra với sự nâng niu, tự hào. Những bộ váy áo đậm bản sắc dân tộc H’Mông là thước đo đánh giá khả năng khéo léo, đức tính chăm chỉ, thuần hậu của những cô gái H’Mông, gửi gắm ước mơ về sự sinh sôi, nảy nở, bình yên và hạnh phúc.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, người H’Mông có quan niệm, khi kết thúc vòng đời, được khâm liệm bằng bộ áo váy vải lanh thì linh hồn họ sẽ không bị lạc, mới có thể đoàn tụ với tổ tiên.
Để làm ra những tấm thổ cẩm theo cách truyền thống, họ phải trải qua những công đoạn công phu, cầu kỳ. Nguyên liệu chính làm ra vải là sợi cây lanh, có độ mềm và dai khi dệt thành vải có độ bền cao. Người H’Mông trồng cây lanh, khi cây lớn sẽ thu hoạch và bó thành đụn phơi cho đủ nắng gió. Khi lanh khô, họ mang về tước vỏ, khi tước phải giữ cho sợi lanh không bị đứt đoạn, hạn chế ít nhất các mối nối. Để tạo một mối nối, họ phải tước vỏ lanh cùng một cỡ, trình tự hợp lý để nối vỏ lanh là nối ngọn với ngọn, gốc với gốc. Hai đầu đoạn vỏ lanh quấn xoắn vào nhau, se dọc theo chiều dài của vỏ. Nối được bao nhiêu họ lại quấn vào lòng bàn tay tạo thành cuộn. Nối sợi đòi hỏi sự khéo léo, bền bỉ, kỹ thuật chính xác của người làm, nâng đến tầm nghệ thuật chế tác.
Thổ cẩm của người H'Mông bày bán rất nhiều ở bản Cát Cát. |
Sau khi nối, vỏ lanh được ngâm nước, se thành sợi. Khi đó lanh vẫn có màu nâu nhạt của vỏ, người ta sẽ luộc sợi cùng tro của cây gỗ trai để tẩy trắng. Sau các công đoạn nối và se sợi bằng tay, người phụ nữ H’Mông lắp sợi cho vào guồng thu sợi. Từ đây, sợi lanh đã trở nên mịn màng hơn sợi lanh thô ban đầu để chuẩn bị bước vào công đoạn dệt vải.
Để tạo độ bền, đẹp cho sợi họ luộc sợi lanh cùng nước sôi pha sáp ong rồi đem đi ép hết nước và phơi lên một chiếc dàn phơi, gỡ những sợi lanh để không bị rối. Đến lúc này việc chế biến sợi nguyên liệu dệt đã hoàn thành, sợi được đưa vào khung dệt thành vải, sau đó thực hiện các công đoạn nhuộm màu, in hoa văn và chế tác trang phục truyền thống.
Khung dệt đơn sơ của người phụ nữ H’Mông ở bản Cát Cát, bao đời nay đã dệt nên những tấm thổ cẩm mộc mạc, bền, đẹp, chứa đựng sự tỉ mỉ, thuần thục người thợ trong mỗi nhịp dệt, phản ánh chân thực đời sống của đồng bào H’Mông nơi đây, bình dị, chất phác nhưng kiên định giữa núi rừng.
Nghề nhuộm chàm, tạo hoa văn trên thổ cẩm truyền thống ở bản Cát Cát là một nét độc đáo trong nghệ thuật chế tác trang phục thổ cẩm của người H’Mông. Để nhuộm mầu họ lấy lá cây chàm già từ rừng hoặc trồng trong nương rãy về rửa sạch, ngâm trong nước từ 3 ngày đến 1 tuần rồi vò nát, tạo thành 1 thứ nước sóng sánh ánh sắc màu xanh lá. Sau đó họ bỏ vôi bột vào khuấy kỹ, để lắng xuống đáy thùng rồi gạn hết nước đi, phần bột sánh dưới đáy giữ lại chính là cao chàm. Để có được màu chàm đậm, không dễ bạc màu, vải lanh sẽ được nhuộm nhiều lần. Chu trình nhuộm này có thể kéo dài đến hàng tháng trời. Thường thì người H’Mông sẽ nhuộm chàm và phơi khô vào những ngày nhiều nắng.
Kỹ thuật tạo hoa văn của người H’Mông cũng rất độc đáo, để tạo hoa văn trang trí trên thổ cẩm, họ đun nóng sáp ong rừng rồi dùng bút nhúng sáp nóng chảy vẽ trực tiếp lên vải. Phần dính sáp khi nhuộm sẽ không bám mầu tạo ra độ đậm nhạt trên sản phẩm. Cứ thế tùy theo nhu cầu sử dụng, họ sẽ thực hiện công việc này nhiều lần để tạo nên hoa văn với đường nét, hoạ tiết cách điệu khác nhau trên tấm vải thổ cẩm.
Hoa văn trên thổ cẩm H’Mông rất đa dạng với nhiều hoạ tiết cách điệu hình hoa cỏ, lá cây, muông thú. Mỗi hoa văn mang một ý nghĩa riêng, phản ánh tập tục sinh hoạt, đời sống của người H’Mông. Nổi bật như hoa văn hình tổ nhện, gửi gắm ước muốn người mẹ che nắng, mưa cho người con, ao ước các con của mình lớn lên khỏe mạnh, có thể sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như con nhện. Hoa văn hình cối đá xay ngô, thể hiện sự cần cù lao động, che chở bao dung, gìn giữ cho gia đình được ấm no của người phụ nữ H’mông.
Khung dệt thổ cẩm của người H’Mông. |
Họa tiết cây dương xỉ trên bộ váy áo thổ cẩm mặc khi đi làm dâu có ý nghĩa cầu mong hạnh phúc của hai vợ chồng trường tồn, vượt qua mọi khó khăn như cây dương xỉ. Hoa văn quả trám với bốn hình xoắn ốc với ý nghĩa “mâm cơm” bao hàm tình đoàn kết trong một gia đình hoặc cộng đồng…Về bố cục, hoa văn này kết hợp giữa hoa văn mâm cơm với mô típ xoắn ốc trên bốn cạnh của hình quả trám và hoa văn mặt cồng với mặt trời chính tâm và bốn cột tỏa ra bốn hướng, thuộc nhóm bố cục đối xứng thường có trên thổ cẩm H’Mông. Những hoạ tiết dân gian đó phản ánh trí tưởng tượng phong phú và ước mơ trong sáng về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc của mỗi người H’Mông.
Sapa - niềm tự hào của núi rừng Tây Bắc, nhịp sống đô thị tấp nập đổi thay từng ngày. Nhưng, giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ ấy, bản Cát Cát vẫn yên bình, dòng suối Hoa vẫn chảy róc rách, giai điệu hoạ mi rừng vẫn trong trẻo, luyến láy ngân dài, hoa rừng vẫn nở, lá chàm già lại tìm về nhuộm vải, phụ nữ H’Mông vẫn mải miết se lanh, dệt vải.
Những tấm thổ cẩm truyền thống vẫn mang theo ước mơ, sức sáng tạo của người H’Mông theo chân du khách tới các vùng miền đất nước, giới thiệu giá trị thẩm mỹ về một tộc người, về sự đa dạng trong bức tranh văn hoá vùng Tây Bắc./.