Savanankhet (Lào): Chủ động phương án “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch bệnh COVID-19
(ĐCSVN) - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là làn sóng COVID-19 lần thứ hai đã bùng phát từ ngày 11/4/2021 tại Lào, xuất phát từ “mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào”, Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam đã hỗ trợ tỉnh Savanankhet (CHDCND Lào) cứu trợ phòng, chống dịch bệnh.
Đoàn chuyên gia Y tế Việt Nam khảo sát chung các cơ sở y tế tại tỉnh về phòng, chống dịch (Ảnh: PV) |
Trong các ngày từ 15 đến 19/5 vừa qua, Đoàn Việt Nam đã chia thành 2 nhóm thực hiện khảo sát và làm việc tại các cơ sở: Làng Sanamsay, Trung tâm cách ly tập trung Sân vận động KM 4, trung tâm cách ly sàng lọc KM6 và trung tâm cách ly tại 2 trường tiểu học, đơn vị xét nghiệm, Bệnh viện tỉnhSavannakhet, Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện huyện OuThoumPhone và một số trạm y tế xã, phòng khám tư nhân, quầy thuốc. Đồng thời tổ chức hội thảo tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về công tác dự phòng, điều trị COVID-19, thảo luận nhóm kinh nghiệm phòng chống dịch; chẩn đoán điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn.
Về cơ bản, công tác phòng chống dịch của tỉnh đã và đang thực hiện quyết liệt, đã huy động được sự vào cuộc đồng bộ hệ thống chính trị, các ban, ngành và chính quyền địa phương; Công tác chỉ đạo điều hành đồng bộ, xuyên suốt; Phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị, bảo đảm lồng ghép chặt chẽ và nghiêm ngặt trong quản lý điều trị ca bệnh COVID-19; Các đơn vị được phân công nhiệm vụ đang thực hiện nghiêm túc và hiệu quả; Có sáng kiến mô hình khu cách ly sàng lọc làm tăng hiệu quả công tác cách ly và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trước khi có kết quả xét nghiệm.
Tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh (Ảnh: PV) |
Qua khảo sát, trên cơ sở phân tích thực trạng và áp dụng các điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh, Đoàn chuyên gia y tế Việt Nam kiến nghị các nội dung cần thiết về công tác giám sát dịch tễ, công tác xét nghiệm, vệ sinh môi trường trong khu cách ly và trong cộng đồng cũng như cách thức bảo đảm an toàn cho các cơ sở khám, chữa bệnh của địa phương nước bạn Lào.
Đặc biệt, Đoàn đã đánh giá chi tiết về năng lực thu dung, quản lý điều trị ca bệnh của tỉnh, trong đó kiến nghị, tại các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng, địa phương cần tăng cường thêm nguồn nhân lực nhất là khi số lượng bệnh nhân tăng lên. Tập huấn, đào tạo cho nhân viên y tế về điều trị bệnh nhân COVID-19 và cấp cứu bệnh nhân COVID-19. Tại mỗi khu dã chiến cần có 1 phòng cấp cứu riêng, với các dụng cụ cấp cứu cơ bản X-Quang di động, hệ thống oxy, máy sốc điện, dụng cụ đặt nội khí quản. Trang bị tủ thuốc cho điều trị bệnh nhân COVID-19 và thuốc cấp cứu. Cần thiết lập hệ thông Telemedicine giữa các cơ sở điều trị và tuyến trung ương để có sự hỗ trợ, hội chẩn từ xa khi tình hình dịch phức tạp và những ca bệnh nặng. Có kế hoạch bổ sung các bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ, bệnh nhân nặng theo các cấp độ dịch (ví dụ: dưới 500 người mắc; 500-2.5.00 người mắc và 2.500-5.000 người mắc; từ 5.000-10.000 người mắc và trên 10.000 người mắc).
Cũng theo Đoàn chuyên gia, tính đến thời điểm hiện tại, có thể chọn bệnh viện huyện OuThoumPhone là cơ sở phù hợp nhất (trong 4 cơ sở đoàn đã khảo sát) để làm cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của tỉnh. Tuy nhiên, cần thiết lập lại các phòng điều trị, thiếp lập luồng di chuyển của bệnh nhân và nhân viên y tế. Trang bị thêm trang thiết bị y tế thiết yếu cho phòng hồi sức tích cực như máy thở, oxy, CT-Scan và các phòng điều trị bệnh nhân thông thường. Trang bị máy xét nghiệm: công thức máu, đông máu có D-dimer, sinh hóa máu đầy đủ có CRPhs, Pro-calcitonin, khí máu động mạch.
Đặc biệt, bên cạnh việc phân công trách nhiệm của 4 bệnh viện trên, cần có kế hoạch để chủ động thực hiện phương án “4 tại chỗ: Lực lượng - chỉ huy - phương tiện - hậu cần” tất cả các bệnh viện đều chủ động và sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh tới bệnh viện, đặc biệt trong các trường hợp cấp cứu./.