Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen trước triển vọng mờ nhạt

Thứ Hai, 17/07/2023 10:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, là một ví dụ hiếm hoi về các cuộc đàm phán hiệu quả giữa Nga và Ukraine kể từ khi xung đột giữa hai nước bùng phát. Tuy nhiên, sau 3 lần được gia hạn, thỏa thuận lại một lần nữa đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Liên hợp quốc chờ đợi phản ứng từ Moscow

Thu hoạch mùa màng ở Ukraine. (Ảnh: nytimes) 

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc lần đầu ngày 22/7/2022 nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do cuộc xung đột giữa hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới là Nga và Ukraine. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày) và tháng 3 năm nay (thêm 60 ngày, tới 18/5/2023) và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7.

Trước thực tế trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các bên hành động tối đa để đảm bảo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ tiếp tục được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào ngày 17/7. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần đe dọa rút khỏi thỏa thuận vì cho rằng những mong muốn chính đáng của Moscow vẫn chưa được đáp ứng.

Trong nỗ lực nhằm giải tỏa những nghi ngại của Nga trước khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen kết hiệu lực, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vào tuần trước đã gửi một lá thư cho Tổng thống Nga Vladimir V. Putin nhằm đưa ra các đề xuất giúp xóa bỏ các rào cản ảnh hưởng đến các giao dịch tài chính qua ngân hàng nông nghiệp Nga, đồng thời tiếp tục khơi thông dòng ngũ cốc Ukraine chảy qua Biển Đen.

Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, ông Putin đã ví thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen là “trò chơi một chiều”, đồng thời tiếp tục cảnh báo kịch bản sẽ rút khỏi thỏa thuận nếu các bên không đáp ứng những điều kiện mà Moscow đưa ra. Hãng thông tấn TASS dẫn lời người đứng đầu Điện Kremlin nêu rõ: “Chúng ta có thể đình chỉ việc tham gia vào thỏa thuận này. Và nếu mọi người khẳng định lại rằng, tất cả những lời hứa dành cho chúng ta sẽ được thực hiện – thì hãy để họ thực hiện những lời hứa này. Và chúng ta sẽ ngay lập tức tham gia trở lại bản thỏa thuận”.

Rạng sáng 17/7, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn các nguồn tin từ Liên hợp quốc cho biết, các bên tham gia thỏa thuận ngũ cốc hiện vẫn chưa thông báo cho tổ chức đa phương này về việc gia hạn thỏa thuận. Chính vì thế, Liên hợp quốc coi ngày 17/7 là ngày cuối cùng thỏa thuận còn hiệu lực.

Trong khi đó, một nguồn tin khác lại không loại trừ khả năng thỏa thuận vẫn có thể được gia hạn vào phút chót. “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi phản ứng từ Moscow. Mọi kịch bản đều có thể xảy ra” – TASS dẫn nguồn tin này cho biết.

Mỹ sẵn sàng cho kịch bản Nga rút khỏi thỏa thuận

Ngày 16/7, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay chính quyền Mỹ đã sẵn sàng trước cho khả năng Nga không gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Washington đang hợp tác chặt chẽ với Ukraine về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi về triển vọng Nga gia hạn thoả thuận ngũ cốc, vốn sẽ hết hạn vào ngày 17/7, ông Sullivan nói: "Tôi không thể đoán trước Tổng thống Vladimir Putin sẽ hành động như thế nào. Có khả năng Nga sẽ rút khỏi thoả thuận, song có thể sẽ tiếp tục tham gia". Bên cạnh đó, ông Sullivan cũng cảnh báo Nga sẽ phải trả một cái giá đắt về ngoại giao nếu rút khỏi thỏa thuận bởi hành động đó chẳng khác nào quay lưng lại với cam kết bảo đảm nguồn lương thực với giá phải chăng cho các quốc gia ở Nam bán cầu, ở châu Phi, châu Mỹ Latin hay châu Á.

Cùng ngày, một nguồn tin ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, quyết định về việc gia hạn thỏa thuận trên sẽ được đưa ra vào phút chót. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra nhiều nỗ lực nhằm kéo dài thoả thuận trong thời gian còn lại trước khi nó hết hiệu lực, nhưng cần sẵn sàng cho khả năng Nga có thể ngừng tham gia thoả thuận. Nguồn tin cho biết thỏa thuận có thể được gia hạn nếu các bên đạt được thỏa hiệp. Song cho đến nay, vẫn chưa có thông tin liên quan nào được đưa ra.

Theo số liệu thống kê từ Liên hợp quốc, kể từ khi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được ký kết, khoảng 32,8 tấn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác của Ukraine đã được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Thỏa thuận được cho là góp phần ngăn chặn các cuộc khủng hoảng đói kém trở nên tồi tệ hơn ở một số quốc gia ở Trung Đông và châu Phi.

Theo đó, các mặt hàng ngũ cốc xuất khẩu chủ đạo của Ukraine là ngô và lúa mỳ, được vận chuyển đến các nước có thu nhập cao hoặc trung bình. Tuy nhiên, khối lượng ngũ cốc xuất khẩu từ các cảng của Ukraine ở Biển Đen đã chậm lại trong những tuần gần đây. Tình huống tương tự cũng đã xảy ra vài tuần trước thời điểm Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hết hạn vào tháng 5/2023.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: TASS) 

Trong một diễn biến liên quan, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ triệu tập phiên họp về tình hình ở Ukraine vào ngày 17/7 với sự tham dự của các nhà ngoại giao hàng đầu của một số quốc gia.

Trên ứng dụng tin nhắn Telegram, ông Polyansky cho biết: "Vào lúc 22 giờ ngày 17/7 (theo giờ Moscow), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức cuộc thảo luận khác về cuộc khủng hoảng Ukraine, theo yêu cầu của phái bộ Anh". Ông Polyansky dự báo, nhiều nước phương Tây có thể sẽ biến phiên thảo luận thành một "chương trình chống Nga ồn ào nhất" song nhân dịp này “Nga cũng có vài điều muốn nói”./.

T.Lan (Theo TASS, gazette, nytimes)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN