Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sáng 23/2, Hà Nội ra quân cưỡng chế vi phạm trên Hồ Tây

Thứ Hai, 20/02/2017 17:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chánh Văn phòng, đại diện phát ngôn UBND quận Tây Hồ, Hà Nội Võ Bích Thủy cho biết, UBND quận Tây Hồ vừa mới ban hành Kế hoạch số 35/KH – UBND về việc tháo dỡ các công trình vi phạm, các phương tiện thủy nội địa, cầu dẫn, sàn nổi ra khỏi Hồ Tây.


Sáng 23/2, quận Tây Hồ ra quân cưỡng chế giải tỏa các cầu dẫn vi phạm trên Hồ Tây 

Triển khai kế hoạch này, UBND quận Tây Hồ sẽ cùng các đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động để các doanh nghiệp đang kinh doanh tự xử lý vi phạm, chấm dứt toàn bộ hoạt động sai phép trên Hồ Tây và tự động tháo dỡ các công trình vi phạm, xây dựng trái phép trong tháng 2 này.

Còn các du thuyền, nhà nổi phải được di dời về khu tập kết tại Đầm Bẩy xong trước ngày 10/3. Quá thời hạn nêu trên, UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế.

Người phát ngôn của quận Tây Hồ Võ Bích Thủy cho biết, “sáng ngày 23/2, các đơn vị chức năng của quận Tây Hồ sẽ ra quân đợt đầu tiên cưỡng chế giải tỏa các cầu dẫn vi phạm trên Hồ Tây. Sau đó, tiếp tục thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra”.

Theo kế hoạch, Công an quận sẽ phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải, cùng với sự hỗ trợ của Công an TP tiến hành tổ chức lực lượng cưỡng chế xử lý; các trường hợp chống đối, gây rối nếu có sẽ bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật.



Các du thuyền, nhà nổi không di dời về khu tập kết tại Đầm Bẩy trước ngày 10/3, 
UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế

Trước mắt, UBND các phường: Xuân La, Thuỵ Khuê, Nhật Tân, Quảng An sẽ phối hợp với Điện lực Tây Hồ và xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình, tiến hành cắt điện, nước để buộc các hộ ngừng kinh doanh.

* Liên quan đến việc tháo dỡ, di dời toàn bộ phương tiện thủy kinh doanh sai phép trên Hồ Tây, UBND phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp phải di dời trước ngày 20/2. Nhưng đến thời điểm này, theo quan sát của phóng viên, mới có số ít đơn vị di dời về vị trí khu vực Đầm Bảy (gần Công viên Hồ Tây) còn lại hầu hết du thuyền, nhà nổi trên khu vực tháo dỡ vẫn án binh bất động, bất chấp lệnh di dời của UBND phường Thụy Khuê./.

Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, hiện trên Hồ Tây có 6 đơn vị lắp đặt sàn cứng, cầu dẫn khung thép, đóng cọc cố định xuống lòng hồ mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. 4 đơn vị đã ngừng hoạt động kinh doanh nhưng vẫn neo đậu phương tiện thuỷ và lắp đặt các công trình khác. 10 đơn vị còn lại hiện vẫn đang có hoạt động phương tiện thủy, phục vụ kinh doanh giải trí, ăn uống, nuôi trồng, khai thác thuỷ sản trong phạm vi Hồ Tây mà không được cấp phép.
tin, ảnh: Phạm Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN