Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sản xuất, bán thực phẩm giả có bị xử lý hình sự?

Thứ Sáu, 26/01/2024 17:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu đang tăng từng ngày. Tuy vậy, thời điểm Tết đến xuân về cũng là cơ hội cho những gian thương trà trộn hàng giả với hàng thật để kiếm lời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, thậm chí cả tính mạng người dân.

Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2024. Đây cũng là thời gian cao điểm lực lượng liên ngành trên cả nước tăng cường giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đối với các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ… cần thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến người bán hàng, định hướng tiểu thương kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.

Gần đây nhất, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra 4 điểm sản xuất do Vũ Thành Công thuê ở cả 2 địa phương, phát hiện hơn 7.500 lon sữa bột thành phẩm các loại, 70 thùng giấy chứa nắp lon sữa bằng kim loại, 150.000 vỏ lon sữa nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, 7 bao tải chứa nắp nhựa hộp sữa; cùng máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả, ước tính giá trị tang vật bị thu giữ khoảng 14,5 tỷ đồng. Tại cơ quan công an, Công khai nhận sản xuất sữa bột giả nhãn hiệu nổi tiếng thu lợi bất chính khoảng 3 tỷ đồng.

Nhiều bạn đọc muốn biết pháp luật quy định thế nào là hàng giả cũng như mức phạt nếu sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện nhiều sai phạm tại một kho chứa hàng thực phẩm đông lạnh ở phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: baobinhduong.vn)

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết, theo quy định tại Khoản 7, Điều 3, Chương I Nghị định 98/2020/NĐ-CP (Số: 98/2020/NĐ-CP, ngày 26 tháng 8 năm 2020) thì hàng giả bao gồm:

a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

c) Thuốc giả theo quy định tại Khoản 33 Điều 2 Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại Khoản 34 Điều 2 Luật Dược năm 2016;

d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Theo luật sư Kỹ, liên quan tới hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, Điều 193, Mục 1, Chương XVIII phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm như sau:

Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại; g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; l) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%; m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên; b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; d) Làm chết người; đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên; b) Làm chết 02 người trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng; d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN