Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Rút đơn khởi kiện có được trả lại tiền án phí?

Thứ Ba, 20/08/2024 14:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Hiện nay, sau khi nộp đơn khởi kiện và nộp tiền tạm ứng án phí, tiền án phí, nhiều người muốn thay đổi yêu cầu khởi kiện hoặc thậm chí là rút đơn khởi kiện. Nhưng nhiều người băn khoăn, trong trường hợp có thay đổi yêu cầu khởi kiện hoặc rút đơn khởi kiện, thì tiền tạm ứng án phí, án phí đã nộp trước đó sẽ được xử lý ra sao?

Người khởi kiện có thể rút đơn khởi kiện và sẽ không bị mất án phí trong các giai đoạn của vụ án (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Để làm rõ vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích: Theo quy định tại Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi có yêu cầu, người khởi kiện phải làm đơn khởi kiện và gửi cho toà án có thẩm quyền giải quyết.

Trước hết người gửi đơn khởi kiện phải đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Cụ thể: Người gửi đơn khởi kiện cần có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và trong đơn, mục tên, địa chỉ cư trú người khởi kiện phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người khởi kiện. Người này cũng phải ký tên hoặc điểm chỉ vào phần cuối của đơn khởi kiện; Người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Người đại diện tự mình hoặc nhờ người khác làm đơn khởi kiện.

Có thể thấy rằng đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp, vì thế nếu rút đơn khởi kiện thì cũng là người khởi kiện rút đơn và có thể rút đơn khởi kiện trong một số trường hợp cụ thể:

- Trường hợp khi tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện: Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện theo điểm g khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trong trường hợp này, do chưa phải thời điểm các bên phải nộp tạm ứng án phí, do tạm ứng án phí được nộp khi Thẩm phán thụ lý vụ án - căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 nên nguyên đơn rút đơn trong trường hợp này không mất án phí.

- Trường hợp khi đang giải quyết vụ án dân sự: Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện, nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt theo quy định tại khoản 4 Điều 217 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Trong trường hợp này, căn cứ khoản 2 Điều 215 Bộ luật Tố tụng dân sự, do vụ án bị đình chỉ giải quyết nên tiền tạm ứng trước đó sẽ được gửi tại Kho bạc Nhà nước và được xử lý khi Toà án tiếp tục giải quyết vụ án dân sự.

- Trường hợp khi đưa vụ án ra xét xử: Khi khai mạc phiên toà, nếu nguyên đơn rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện và được Hội đồng xét xử chấp nhận do đương sự rút yêu cầu một cách tự nguyện thì Hội đồng xét xử sẽ đình chỉ xét xử với phần yêu cầu đã rút theo quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Trong trường hợp này, theo khoản 3 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH, tiền tạm ứng án phí sẽ được trả lại cho người đã nộp, các đương sự không phải nộp án phí dân sự.

- Trong trường hợp trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm:  Thì phải hỏi ý kiến của bị đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 299 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: Bị đơn không đồng ý: Nguyên đơn không được chấp nhận rút đơn khởi kiện; Bị đơn đồng ý: Huỷ bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Toà án sơ thẩm. Đồng thời, các đương sự cũng phải chịu ½ án phí phúc thẩm.

Từ quy định trên có thể thấy, trong vụ án dân sự sơ thẩm, người khởi kiện có thể rút đơn khởi kiện và sẽ không bị mất án phí trong các giai đoạn của vụ án. Tuy nhiên, nếu rút đơn khởi kiện khi xét xử phúc thẩm thì đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm và một nửa án phí phúc thẩm./.

Khánh Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN