Quyết tâm chính trị của người đứng đầu
(ĐCSVN) – “…Tổng Bí thư chỉ đạo phải làm quyết liệt không ngoại trừ ai, nhóm lợi ích nào, phải quyết tâm chỉ đạo làm đến cùng mọi vụ việc mà các phương tiện thông tin đại chúng và người dân có ý kiến…. Đây là sự quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu của Đảng ta…”.
Đó là một trong số những ý kiến tâm huyết của người dân trước chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu các cơ quan liên quan làm rõ một số vấn đề báo chí nêu liên quan khối tài sản hàng trăm tỷ đồng của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương.
Ông Nguyễn Bá Thuyền - nguyên Đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng cho biết: Theo quan điểm của tôi, niềm tin của một bộ phận nhân dân đối với công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã bị giảm sút… Vì vậy, Tổng Bí thư chỉ đạo phải làm quyết liệt không ngoại trừ ai, nhóm lợi ích nào, phải quyết tâm làm đến cùng mọi vụ việc mà các phương tiện thông tin đại chúng và người dân có ý kiến…. Đây là sự quyết tâm chính trị rất cao của Tổng Bí thư, của người đứng đầu của Đảng ta… Tuy nhiên, nếu chỉ cá nhân Tổng Bí thư thì chưa đủ, mà đòi hỏi mọi cấp, mọi ngành phải đồng hành quyết liệt thực hiện. Cá nhân tôi và rất nhiều người rất đồng tình với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành phối hợp làm rõ những nội dung mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu về bà Hồ Thị Kim Thoa, nếu đúng thì phải xử lý thật nghiêm để làm gương.
Về việc gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa có hàng trăm tỷ ở doanh nghiệp mà trước đây bà từng làm giám đốc, tôi thấy, việc hình thành khối tài sản của mỗi người thường do 3 yếu tố: Được thừa kế từ cha, mẹ hoặc người khác cho, tặng hợp pháp; do bản thân tự tạo ra bởi sức lao động và trí tuệ của mỗi người…
Vì sao bà Thoa làm giám đốc mà lại có nhiều tiền như vậy? Vậy phải yêu cầu bà Thoa chứng minh từ trước khi chưa có tài sản, bà Thoa thu nhập bao nhiêu và nếu có nguồn thu nhập hợp pháp hàng năm thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Nếu không chứng minh được hoặc các cơ quan xác minh là bất hợp pháp cần phải xử lý nghiêm. Còn nếu bà Thoa tự chứng minh được và các cơ quan, xác minh làm rõ tài sản đó là hợp pháp thì phải công nhận và công bố cho nhân dân biết.
Về việc kê khai tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: Việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền là một trong 27 biểu hiện được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nêu ra để ngăn chặn, đẩy lùi. Do vậy, cần phải làm rõ việc kê khai tài sản của bà Thoa có đúng quy định hay không và số tài sản ấy do đâu mà có rồi công khai cho dân biết.
Về số tài sản của bà Thoa và người thân tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang được các cơ quan báo chí nêu, cũng có người cho rằng, bà Thoa có kê khai và thực hiện đúng quy trình!. Về vấn đề này, tôi có phần chưa yên tâm và băn khoăn: Vì sao bà Thoa lại có số tài sản lớn như vậy, trong khi bà Thoa không còn làm việc tại công ty này mà đang giữ cương vị Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực có hoạt động của công ty này? Việc kê khai tài sản, thu nhập của bà Thoa được cho là “đúng quy trình” đó, có ai kiểm tra, giám sát không và khẳng định được số tài sản này là minh bạch không? Do vậy, vấn đề này phải được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Ngoài ra, tôi cho rằng để làm rõ cổ phần của bà Hồ Thị Kim Thoa có minh bạch hay không thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cũng phải vào cuộc để thanh, kiểm tra.
Ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trao đổi với
phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chiều 21/2.
Từ các vụ việc trong tiền lệ như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải và nay là vụ việc của bà Hồ Thị Kim Thoa đã cho chúng ta những bài học sâu sắc. Đã đến lúc chúng ta cần phải bổ sung những quy định còn thiếu để làm tốt hơn trong công tác quản lý tài sản Nhà nước và quản lý cán bộ; cần phải xem lại những văn bản của Đảng và những văn bản pháp luật của Nhà nước có chỗ nào còn sơ hở, kẽ hở để người ta lợi dụng, lách luật. Cụ thể như quy định của Luật Cổ phần hóa của chúng ta có gì thiếu không, Luật Phòng, chống tham nhũng cần bổ sung những gì?..., để từ đó, chúng ta quản lý tốt hơn. Chúng ta cũng phải kiểm tra xem bà Hồ Thị Kim Thoa có trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập cá nhân không? Bà Thoa có chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình là minh bạch hay không cũng cần phải làm rõ và công khai cho dân biết, để tạo niềm tin cho nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Một vấn đề nữa, theo tôi là rất quan trọng, đó là chúng ta phải kiểm soát được quyền lực của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu rõ, phải kiểm soát quyền lực, nhưng chúng ta cần phải sớm cụ thể hóa việc này bằng các văn bản để quản lý cán bộ có chức, có quyền một cách chặt chẽ; ví dụ như: Đảng kiểm soát quyền lực như thế nào, Chính phủ, Quốc hội, các đoàn thể quản lý, kiểm soát quyền lực của cán bộ ra sao thì phải quy định rõ.
Tóm lại, tôi đánh giá cao chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện rõ sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Còn nhìn nhận vụ việc từ góc độ chuyên gia pháp lý, Luật sư Vũ Anh Thanh, Giám đốc Công ty luật TNHH Vũ Thanh (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Việc bà Thoa và gia đình có hàng trăm tỷ đồng ở doanh nghiệp mà trước đây bà từng làm Tổng giám đốc thể hiện vấn đề minh bạch trong quản lý tài sản và cách thức quản lý doanh nghiệp, trình tự cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ta còn nhiều bất cập, cần điều chỉnh.
Mặc dù theo Báo cáo của Bộ Công thương thì số cổ phiếu mà bà Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu tại Công ty CP bóng đèn Điện Quang có từ trước khi bà làm Thứ trưởng Bộ Công thương và đã được kê khai. Tuy nhiên, các cơ quan được Tổng Bí thư giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra cần làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, nguồn gốc của số cổ phần trên được hình thành như thế nào? Nếu hình thành một cách hợp pháp từ bất cứ nguồn nào thì đều phải chứng minh và nộp thuế. Ví dụ: Tiền lãi do đầu tư kinh doanh, lãi chuyển nhượng bất động sản, lên giá cổ phiếu, cổ phần…Đây cũng là lỗ hổng cần khắc phục vì trước khi cán bộ, công chức được đề bạt lên vị trí lãnh đạo mới đều phải kê khai tài sản, nhưng việc giải trình cũng như xác minh nguồn gốc số tài sản đó hầu như không được quy định cụ thể.
Thứ hai, sau khi cổ phần hóa Công ty CP bóng đèn Điện Quang thì bà Thoa và gia đình sở hữu bao nhiêu cổ phiếu của doanh nghiệp này? Bằng cách nào và lý do tại sao sau khi cổ phần hóa mà bà Thoa và gia đình có thể sở hữu 1 số lượng lớn cổ phiếu như vậy (theo tôi được biết, chiếm khoảng 34% số cổ phiếu của doanh nghiệp)? Cần làm rõ có hiện tượng mua gom, đầu cơ, thâu tóm cổ phiếu giá rẻ của cán bộ, công nhân viên trước khi lên sàn không, có gian dối hoặc đưa thông tin sai lệch nhằm trục lợi không? Việc bà Thoa và các thành viên trong gia đình nhận chuyển nhượng của ai và việc chuyển nhượng cổ phiếu giữa các thành viên trong gia đình có đúng quy định pháp luật không...? Từ trước đến nay, hầu hết các lãnh đạo trong các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa đều sở hữu rất nhiều cổ phiếu. Do vậy sau thanh tra, kiểm tra vụ việc này, chúng ta cũng cần xem xét điều chỉnh, bổ sung lại quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đảm bảo chặt chẽ và phù hợp hơn./.