Quyết liệt trong hành động!
(ĐCSVN) - Chỉ sau chưa đầy 1 tuần sau công bố Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngay tối qua (7/7), Chính phủ đã ban hành quy định nhằm hướng dẫn người lao động, doanh nghiệp về điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ từ gói an sinh 26.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Đặng Hiếu) |
Làn sóng dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động. Nhiều ngành nghề tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn như: vận tải hành khách, hàng không, du lịch, khách sạn...
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng thông tin, từ 27/4 đến nay, 9,1 triệu người Việt Nam bị tác động bởi dịch bệnh, trong đó 540.000 người đã rơi vào tình trạng mất việc, thiếu việc làm. Bộ trưởng cũng cho biết thêm “với khoảng 19,2% cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp; 21% hợp tác xã, liên doanh bị ảnh hưởng".
Những con số thống kê này đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua.
Nhưng, điều lo lắng hơn, là đợt dịch thứ 4 có nguy cơ lan rộng các khu công nghiệp, chế xuất như ở một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…, dịch đã tác động đến khu vực sản xuất, làm ngừng trệ hoạt động của các nhà máy.
Điều này có nghĩa, nhiều người lao động đối mặt với khó khăn khi mọi công việc đình trệ, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai, cuộc sống đảo lộn. Lao động ở các khu công nghiệp, lao động tự do không có hợp đồng lao động khó có thể chống chịu trong thời gian dài. Hơn bao giờ hết, đây là lúc rất cần “phao cứu sinh” để giúp người lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Thực tế, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực bởi những gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch vẫn còn diễn biến khó lường, phải tiếp tục thực hiện kiên định mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Ngày 1/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP trước đây, Nghị quyết số 68/NQ-CP được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng. Quyết sách này thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của chính sách an sinh “không để ai bị bỏ lại phía sau” theo chủ trương chung của Chính phủ.
Nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, chỉ chưa đầy 1 tuần, ngày hôm qua (7/7), Chính phủ đã ban hành quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để quy phạm hóa việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP. Điều này khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành đã cố gắng cao nhất để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đáng chú ý, lần này với thủ tục và điều kiện dễ dàng hơn trước, thời gian để tiếp cận gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ là “cuộc cách mạng táo bạo” – như lời Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Chính sách, văn bản hướng dẫn đã có, điều quan trọng tiếp theo phải làm nữa là, phải bảo đảm thực thi chính sách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Việc thực hiện các chính sách này phải bảo đảm minh bạch, công bằng, đúng đối tượng thụ hưởng, không được phép để xảy ra hành vi trục lợi chính sách.
Dù chỉ là giải pháp tạm thời cho người dân và doanh nghiệp, song “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, góp phần động viên, hỗ trợ tinh thần, giúp người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Người dân đang mong chờ gói hỗ trợ từng ngày. Chắc chắn, thực tế triển khai chính sách sẽ gặp những khó khăn nhất định. Song tin rằng nếu các cơ quan, địa phương, thực sự xắn tay vào hành động với tinh thần trách nhiệm cao nhất thì hoàn toàn có thể tháo gỡ được để thực thi hiệu quả chính sách, hỗ trợ người lao động tự do, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang lâm vào khó khăn./.