Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quy định rõ trường hợp được cung cấp thông tin của khách hàng

Thứ Bảy, 10/06/2023 20:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) đề nghị quy định rõ trường hợp nào thì được cung cấp thông tin của khách hàng.

 Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) phát biểu tại hội trường chiều 10/6. Ảnh: QH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 10/6, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) đồng thuận với những nội dung mà Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật đưa ra; đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật để phù hợp hơn với thực tiễn đời sống hiện nay. Việc sửa đổi Luật cũng là nhằm đổi mới và hội nhập sâu rộng về hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế toàn cầu; tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đóng góp ý kiến về người ủy quyền, người có liên quan đến hoạt động tín dụng. Về bảo mật thông tin của khách hàng, đại biểu cho rằng, dự án Luật cần quy định rõ hơn trường hợp nào thì được cung cấp thông tin của khách hàng...

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị bổ sung trường hợp được cấp thông tin của khách hàng hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật. “Ví dụ trường hợp khách hàng chết, mất năng lực hành vi dân sự, người thừa kế đến để yêu cầu cung cấp thông tin hoặc pháp luật yêu cầu ngân hàng phải thực hiện báo cáo định kỳ. Vì vậy, đề nghị quy định những trường hợp nào thì được cung cấp thông tin của khách hàng một cách rõ nét trong dự án Luật”, đại biểu đề xuất.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo thông lệ quốc tế, thông tin của khách hàng trong một số ngành nghề được bảo vệ rất nghiêm ngặt như ngành ngân hàng, luật sư…

Tuy nhiên đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, nội dung liên quan đến quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Điều 14 của dự thảo Luật chưa thật sự đầy đủ. Cụ thể dự thảo Luật này đang quy định, nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Theo đại biểu Nghĩa, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân với gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư cá nhân hoặc gia đình được pháp luật bảo đảm theo Hiến pháp, trừ trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại Điều 14 theo hướng chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến vụ án được khởi tố, điều tra…

Khắc phục vấn đề mới phát sinh trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng

Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng đã đóng góp quan trọng trong đảm bảo ổn định cho hệ thống ngân hàng, làm lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, cụ thể là các vấn đề liên quan đến mua bán các loại chứng khoán khác không phải là cổ phiếu, trái phiếu, hoạt động cung cấp thông tin của các chi nhánh ngân hàng nhà nước nước ngoài cho ngân hàng mẹ, xử lý sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại các tổ chức tín dụng. Vì vậy việc xây dựng dự án luật này là cần thiết.

Tán thành cao với nhiều nội dung của dự thảo luật, đại biểu cho rằng, về lãi suất phí trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 91, khoản 2 Điều này có quy định về lãi suất trong hoạt động tín dụng của ngân hàng chưa thực sự rõ ràng, minh bạch, khi xảy ra sự cố thì có áp dụng trần lãi suất tối đa tại khoản 1 Điều 486 của Bộ luật Dân sự.

Đại biểu đề nghị sửa lại khoản 2 Điều 91 như sau: Việc áp dụng lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật ngân hàng, để thích ứng với đối tượng, thời điểm cho vay cụ thể, bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ nhằm xác định rõ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong hợp đồng tín dụng trước các rủi ro pháp lý xảy ra trong quá trình thực hiện.

Quan tâm đến việc sử dụng, tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, các ý kiến đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến phòng chống rủi ro, chưa có nhiều ý kiến liên quan đến việc xây dựng. Đại biểu cho rằng hiện nay, các doanh nghiệp đang rất cần tiếp cận với nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, người dân cũng có những nhu cầu cấp thiết về tiêu dùng. Ngân hàng có tiền, nhưng theo cơ chế không thể cho doanh nghiệp vay.

Vì vậy, đại biểu đề nghị, trong mục đích, quan điểm xây dựng luật, cần thể hiện rõ cơ chế tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính. Ban soạn thảo cần bám sát hơn nữa nhu cầu tài chính của người dân và doanh nghiệp trong tình hình hiện nay để tháo gỡ vướng mắc cơ chế, để giải quyết bức xúc trong xã hội đối với việc thiếu vốn./.

Khôi Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN