Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tìm thấy nạn nhân thứ 4 trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ)

Thứ Hai, 23/09/2024 21:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tìm thấy nạn nhân thứ 4 trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ); Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục nhận hối lộ; Khuyến cáo khẩn cấp công dân Việt Nam rời khỏi Lebanon…, là một số tin đáng chú ý hôm nay (23/9).

Lực lượng chức năng trục vớt phương tiện sau vụ sập cầu Phong Châu. (Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ) 

Vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ): Tìm thấy nạn nhân thứ 4

Ngày 23/9, các lực lượng chức năng Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện 1 thi thể là nam giới đang trôi nổi trên dòng sông Hồng đoạn thuộc khu Mộ Hạ, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, cách hiện trường vụ sập cầu Phong Châu khoảng 20km về phía hạ lưu sông Hồng. Đây là nạn nhân thứ 4 được tìm thấy trong sự cố sập cầu Phong Châu, xảy ra lúc 10 giờ ngày 9/9. Ngay sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an thành phố Việt Trì) đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thông báo truy tìm tung tích nạn nhân trên địa bàn thành phố Việt Trì, các địa bàn lân cận, đồng thời thông báo cho các gia đình nạn nhân để nhận dạng.

Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, gia đình và các cơ quan chức năng đã xác định nạn nhân là anh Dương Công Chiến (sinh năm 1981, trú tại khu 8, Đan Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ) là lái xe ô tô đầu kéo 19H- 042.12 trong sự cố sập nhịp cầu Phong Châu. Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Việt Trì đã bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình để mai táng theo phong tục địa phương.  

Trước đó, chiều 20/9, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ tiếp tục công tác trục vớt và tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu. Trong quá trình trục vớt xe đầu kéo, lực lượng chức năng đã phát hiện một thi thể trong cabin xe.

Vụ sập cầu Phong Châu tại Km18+300 Quốc lộ 32C (kết nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao) xảy ra khoảng 10 giờ ngày 9/9, đã cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc huyện Tam Nông). Sơ bộ ban đầu xác định, tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó có 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện); 8 người mất tích; đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế. Nước lũ dâng cao nên việc tìm kiếm, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, chưa xác định chính xác số lượng phương tiện và số người mất tích.

 Ông Nguyễn Đức Thái, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam (bìa trái), cùng ba bị can - (Ảnh: Bộ Công an)

Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục nhận hối lộ

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị truy tố 8 bị can trong vụ án "Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trong vụ án này, bị can Nguyễn Đức Thái (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên nhà xuất bản) bị đề nghị truy tố tội "Nhận hối lộ". Các bị can Tô Mỹ Ngọc (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phùng Vĩnh Hưng) và Nguyễn Trí Minh (Giám đốc Công ty Giấy Minh Cường Phát) bị đề nghị truy tố cùng về tội "Đưa hối lộ".

Năm bị can khác là các cựu lãnh đạo, nhân viên nhà xuất bản bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Trưởng Ban Kế hoạch Maketing), Đinh Quốc Khánh (cựu Phó trưởng Phòng in), Phạm Gia Thạch (cựu thành viên Hội đồng thành viên), Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải (cùng là cựu Phó Giám đốc).

Theo kết luận điều tra, mua giấy in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của Nhà xuất bản Giáo dục, sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Trước năm 2017, Nhà xuất bản Giáo dục đều áp dụng hình thức "chào giá". Nhà xuất bản Giáo dục không thuộc trường hợp bắt buộc thực hiện theo các hình thức của Luật Đấu thầu nên có thể tự ban hành quy định riêng về hoạt động mua sắm, áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp.

Kết luận điều tra thể hiện, năm 2017, Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục. Theo đề nghị của Ngọc và Minh, Thái đã chỉ đạo thực hiện việc đấu thầu giấy in sai quy định.

Theo đó, hai bị can Ngọc và Minh lựa chọn mua sắm giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn, trái quy định của Luật Đấu thầu để hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực, đồng thời tiết lộ thông tin trước khi phát hành hồ sơ yêu cầu, thông đồng và hợp thức hóa thủ tục đấu thầu để tạo điều kiện cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát được cung cấp giấy in cho Nhà xuất bản Giáo dục.

Giám định cho thấy, với 7 gói thầu giấy in, các bị can trong vụ án đã gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, để được tham gia và trúng thầu, hai bị can Ngọc và Minh đã nhiều lần đưa hối lộ cho Thái.

Từ năm 2018 đến năm 2021, các công ty của Ngọc tham gia và trúng 10 gói thầu, tổng trị giá 1.593 tỷ đồng. Sau khi được Thái giúp đỡ, trúng thầu và ký hợp đồng, Ngọc đều đặn đưa 4 tỷ đồng một năm để cảm ơn Thái. Cơ quan điều tra xác định, Thái nhận hối lộ từ Ngọc 20 tỷ đồng và giúp nhóm công ty của Ngọc trúng 13 gói thầu, tổng trị giá hơn 2.100 tỷ đồng.

Đối với Nguyễn Trí Minh, Cơ quan điều tra xác định, năm 2017, Minh cũng đến gặp Thái và tự giới thiệu là đối tác cung cấp giấy nhiều năm cho Nhà xuất bản Giáo dục. Minh đề nghị và được Thái đồng ý tạo điều kiện cho Công ty Minh Cường Phát được tiếp tục cung cấp giấy cho Nhà xuất bản Giáo dục. Sau đó, Công ty Minh Cường Phát được đưa vào danh sách ngắn, được tham dự và trúng một gói thầu. Đổi lại, Minh “tặng” Thái 400 triệu đồng kèm hộp bánh, chai rượu. Để được trúng các gói thầu tiếp theo, Minh còn nhiều lần hối lộ Thái với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Công ty Minh Cường Phát do vậy được trúng 5 gói thầu của Nhà xuất bản Giáo dục, tổng trị giá hơn 200 tỷ đồng.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Qantara, Liban ngày 22/9/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khuyến cáo khẩn cấp công dân Việt Nam rời khỏi Liban

Trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang nguy hiểm và có nguy cơ mở rộng trong khu vực, ngày 23/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Liban ra thông báo khẩn khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Liban rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Trong thông báo khẩn, Đại sứ quán cũng khuyến cáo công dân trong nước dự định đến Liban cần dừng/hủy chuyến đi cho đến khi tình hình ổn định trở lại. Đối với công dân đang sinh sống và làm việc tại Liban, Đại sứ quán nhấn mạnh trong trường hợp bất khả kháng không thể rời khỏi Liban, bà con cần nâng cao cảnh giác, theo dõi sát sao diễn biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở sở tại, hạn chế tối đa tụ tập nơi đông người và tuyệt đối không đến gần biên giới Liban-Israel, khu vực phía Nam thủ đô Beirut và khu vực phía Bắc gần biên giới với Syria. Đại sứ quán đề nghị bà con cần tìm nơi tạm trú ở những vùng an toàn hơn và có phương án dự trữ thực phẩm, thuốc men đề phòng tình huống xấu.

Đại sứ quán tiếp tục theo dõi và giữ liên lạc chặt chẽ với bà con để chuẩn bị các phương án dự phòng trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp. Đại sứ quán cũng sẵn sàng phối hợp với các cơ quan hữu quan trong trường hợp cần sơ tán hay bảo hộ công dân từ Liban. 

Trong trường khẩn cấp hợp cần hỗ trợ, Đại sứ quán đề nghị bà con liên lạc ngay với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Liban thông qua đường dây nóng: +20 102 613 9869; Văn phòng Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Liban: +961 70 229 300; hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân +84 981 84 84 84./.

PV (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN