Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Ninh phấn đấu có thêm 13 xã đạt chuẩn trong năm 2019

Chủ Nhật, 13/01/2019 10:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu có thêm ít nhất 13 xã đạt chuẩn, có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Mô hình du lịch làng quê tại xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 100 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 1.000 hộ tham gia xây dựng “vườn đạt chuẩn nông thôn mới”; có thêm 12 xã và ít nhất 8 thôn bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Đề án 196 (Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn).

 Tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển 31 sản phẩm chủ lực cấp huyện theo chương trình “mỗi xã phường một sản phẩm” - OCOP giai đoạn 2017-2020; thẩm định, hỗ trợ phát triển ít nhất 30 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn; phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 41,1 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm 0,7% trong năm 2019.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo: Trong công tác xây dựng nông thôn mới, không vội vàng, làm đến đâu chắc đến đó, tránh hình thức; phải kiểm tra chặt chẽ, rà soát kỹ các tiêu chí, không chạy theo hình thức; địa phương nào đã đưa vào kế hoạch thì phải thực hiện được. Những đóng góp của nhân dân phải có tỷ lệ hợp lý, không hỗ trợ dân 100% để tạo cho người dân lối suy nghĩ phải có trách nhiệm.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và cơ quan tham mưu giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”; đa dạng các nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới… Đồng thời, phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động sự tham gia trực tiếp của người dân vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh có thêm 5 xã và 40 thôn đặc biệt khó khăn đạt các tiêu chí để ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; hộ nghèo giảm 1.965 hộ. Toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho 1.250 hộ nghèo, tổng số vốn đã triển khai thực hiện là 53,85 tỷ đồng.

Trong 3 năm 2016-2018, từ nguồn vốn của Chương trình 135, Quảng Ninh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn đáp ứng 100% nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất theo yêu cầu và đề xuất của các địa phương; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn từ 12,75 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2015, đến hết năm 2018 ước đạt 23,11 triệu đồng/người/năm./.

Văn Đức/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN