Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Ngãi: Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Thứ Tư, 13/10/2021 10:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đảng viên cũng như mức độ hoàn thành công việc ở các chi, đảng bộ của tỉnh Quảng Ngãi được nâng cao, phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở.

Những đổi thay trong sinh hoạt chi bộ

Ngày 10/11/2016, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Chỉ thị số 14 "Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ"; đồng thời ban hành hướng dẫn về nội dung, khung tiêu chí đánh giá nâng cao chất lượng sinh hoạt định kỳ cho các loại hình chi bộ. Qua 5 năm, Chỉ thị đi vào thực tiễn, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên rõ rệt, phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Nhiều cấp ủy, bí thư chi bộ đã nắm vững hơn nội dung, quy định, quy trình và phương pháp tổ chức một buổi sinh hoạt chi bộ, nhất là các buổi sinh hoạt theo chuyên đề; dần chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế về sinh hoạt chi bộ; nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên, phù hợp với từng loại hình chi bộ.

Buổi sinh hoạt chuyên đề “Nhớ ơn Người” của Chi bộ Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: quangngai.gov.vn  

Đồng chí Lý Văn Đông, Bí thư Chi bộ Phòng Nghiệp vụ - Đảng bộ Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Thực hiện Chỉ thị 14, Chi bộ đã nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ bằng cách chuẩn bị chu đáo nội dung trước mỗi cuộc họp. Các đảng viên nắm được chủ đề cuộc họp để chuẩn bị ý kiến phát biểu. Trong sinh hoạt, Chi bộ cố gắng phát huy dân chủ, tạo được không khí cởi mở, chân thành, đặc biệt nâng cao sức chiến đấu qua công tác tự phê bình và phê bình, để mỗi đảng viên tự kiểm điểm nghiêm túc bản thân trước chi bộ đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời phê bình, góp ý thẳng thắn các đảng viên khác với tinh thần đoàn kết, xây dựng và người bị phê bình cũng thẳng thắn cầu thị tiếp thu. Từ việc tự phê bình và phê bình đã động viên, khuyến khích đảng viên phát huy vai trò của mình hơn nữa, từ đó tạo không khí thi đua sôi nổi trong công tác.

Buổi sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Nhớ ơn Người” của Chi bộ Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Quảng Ngãi diễn ra trong không khí xúc động. Các đảng viên ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đóng góp của Người cho sự nghiệp cách mạng nước ta; cùng với đó, thảo luận giải pháp hiện thực hóa chuyên đề gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn công tác để học và làm theo Bác ngày càng hiệu quả. Nội dung sinh hoạt chi bộ đã cơ bản khắc phục được tính hình thức và đơn điệu.

Nhận xét về những chuyển biến của công tác sinh hoạt chi bộ của các chi, đảng bộ trong toàn tỉnh, đồng chí Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết, nền nếp sinh hoạt đảng có chuyển biến tiến bộ hơn trước. Chế độ sinh hoạt chi ủy, chi bộ định kỳ được duy trì thường xuyên. Nhiều cấp ủy, chi bộ đưa thời gian họp vào lịch, kế hoạch ngay từ đầu năm để thực hiện. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt ở các loại hình chi bộ đạt từ 85% trở lên, trong đó đảng viên sinh hoạt ở chi bộ lực lượng vũ trang đạt 95%; đảng viên sinh hoạt ở chi bộ cơ quan hành chính đạt 90%. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ lựa chọn các vấn đề nổi cộm, bức xúc của cơ quan, đơn vị, địa phương để đảng viên bàn biện pháp khắc phục, giải quyết dứt điểm. Nhiều chi bộ đã mở rộng dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; thể hiện được tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng.

Về sinh hoạt chuyên đề, các cấp ủy, chi bộ quan tâm hơn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh hoạt chuyên đề theo đúng quy định mỗi quỹ một lần, gắn với Chỉ thị 05, Nghị quyết Trung ương 4 và những vấn đề nổi cộm, phát sinh được chi bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Một số cấp ủy đã chủ động cụ thể hóa sinh hoạt với các chủ đề “Tiết kiệm làm theo lời Bác”, “Cơ quan, đơn vị giúp xã, thôn khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”, “Góp vốn xoay vòng”, “Xây dựng quỹ Nghĩa tình đồng đội”, “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm”, “Gây quỹ tương trợ cộng đồng”, “4 đúng - 4 phải - 3 sát”, mô hình “3 có, 3 không”,  mô hình ”Sổ tay đảng viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"…

Mô hình chi bộ thôn, tổ dân phố đạt nhiều tiến bộ so với năm 2015. Hiện nay, toàn tỉnh có 913/954 chi bộ có chi ủy; 250 cán bộ hưu trí tham gia giữ chức bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố; 920/945 tổ trưởng dân phố là đảng viên (tỷ lệ 96,44%, tăng 49,8%); 131/954 bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng dân phố (tăng 12,78%); bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận là 280/954 (tăng 28.57%), khắc phục cơ bản tình trạng tổ trưởng dân phố chưa phải là đảng viên và chi bộ tổ, thôn chưa có cấp ủy.

Công tác tạo nguồn bồi dưỡng, phát triển đảng viên được quan tâm. Từ 2016 đến nay đã kết nạp 8.521 đảng viên, chất lượng đảng viên tăng dần. Nếu năm 2016, 80,84% đảng viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì đến năm 2020 đạt 94,09%. Công tác kiểm tra giám sát được chú trọng. 5 năm đã tổ chức kiểm tra giám sát 2.165 cuộc. Qua kiểm tra, giám sát, cấp ủy, tổ chức đảng phát huy những kết quả đạt được và nhận ra những hạn chế, yếu kém trong sinh hoạt chi bộ để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, giúp tổ chức đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.

Tiếp tục khắc phục những hạn chế

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị 14 còn bộc lộ một số hạn chế như: năng lực cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng vào công tác thực tế ở một số chi bộ còn hạn chế; còn tình trạng cấp ủy chưa coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; chất lượng sinh hoạt chi bộ một số nơi chưa cao, nội dung sinh hoạt còn rập khuôn, mang tính lý thuyết, chưa cụ thể, sâu sát nhiệm vụ giải pháp đề ra; việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở một số chi bộ thiếu sáng tạo, có nơi cứng nhắc và nặng về lý luận, chưa có giải pháp thiết thực, sát thực tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở đặt ra. Tình trạng lẫn lộn sinh hoạt chuyên môn và sinh hoạt chuyên đề vẫn còn; ý kiến đảng viên chưa đi vào trọng tâm cuộc họp, chưa liên hệ nhiệm vụ cụ thể của cá nhân… Ngoài ra, công tác phát triển đảng viên mới trong lực lượng làm nông, lâm, ngư nghiệp giảm dần qua các năm, từ 20,25% năm 2016 nay chỉ còn 3,88%, trong đội ngũ công nhân, người lao động trong đơn vị kinh tế tư nhân, tôn giáo, dân tộc thiểu số còn thấp, chưa tương ứng với nguồn…

Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với công tác vận động quần chúng. Ảnh minh họa: quangngai.gov.vn 

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đặng Ngọc Huy cho biết, chỉ rõ những hạn chế để thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường vai trò của cấp ủy, chi bộ và trách nhiệm của đảng viên, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Theo đó, sẽ tổ chức thực hiện tốt việc phân công cấp ủy viên cấp tỉnh theo dõi tổ chức cơ sở đảng; cấp ủy viên cấp huyện theo dõi chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; đảng viên ở cơ sở theo dõi hộ gia đình. Lựa chọn cấp ủy chi bộ phải có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, nhiệt tình trong công tác, có kinh nghiệm thực tiễn và nắm rõ tình hình thực tế của địa phương, gương mẫu, đi đầu trong công việc. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ duy trì tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.

Các cấp ủy đảng và từng chi bộ phải có kế hoạch, giải pháp, giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển đảng viên, quản lý đảng viên ở thôn, tổ dân phố, các đơn vị kinh tế tư nhân, tôn giáo… Chú trọng tăng cường tập huấn công tác Đảng cho cấp ủy, bí thư chi bộ, nhất là đối với loại hình chi bộ công an vừa mới thành lập; chi bộ thôn, tổ dân phố, chi bộ doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chủ trương bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân; bí thư là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với công tác vận động quần chúng; khắc phục tình trạng hành chính, quan liêu, xa dân, xa thực tế, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo ra phong trào thi đua yêu nước, xây dựng phát triển mô hình điển hình dân vận khéo trong quần chúng, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội tỉnh Quảng Ngãi.

Thương Huyền

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN