Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quảng Nam: Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trong dịp cuối năm

Thứ Tư, 18/01/2017 17:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra hết sức phức tạp tại một số con sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, gây sạt lở và đe doạ đời sống, sản xuất của người trên địa bàn. Để tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng trên, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc ngay trong những ngày cuối năm này.

Đại diện Ban Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam cho biết, từ ngày 16/1/2017, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam đã giao cho Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Sở TN&MT cùng các đơn vị chức năng của huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn (2 địa phương đang là “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép ở Quảng Nam) tổ chức Đoàn kiểm tra thực tế công tác khai thác cát sỏi tại vùng giáp ranh giữa 2 địa phương.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam tổ chức các đoàn kiểm tra,
kiểm soát tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên sông Yên.

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, qua quá trình khảo sát thực tế, một số điểm dọc sông Yên (dòng sông nối dài qua địa phận của 2 địa phương: Đại Lộc - Điện Bàn) đã bị sạt lở, đặc biệt khu vực cách mỏ cát của Công ty TNHH Phương Đông khoảng 300m về phía hạ du nằm trên địa phận xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn có dấu hiệu sạt lở đất nặng.

Trong chuyến theo đoàn tuần tra, khảo sát mới đây của liên ngành tỉnh Quảng Nam, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quốc Hiếu, một người dân thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc cho biết: Là người gắn bó và sinh sống tại địa phương này từ khi còn nhỏ, vài năm trở lại đây, ông Hiếu nhận thấy bờ sông Yên phía xã Đại Hiệp (Đại Lộc) được bồi lấp, còn bờ sông phía xã Điện Hồng (thị xã Điện Bàn) bị sạt lở rất nghiêm trọng.

Qua giới thiệu của ông Hiếu và trực tiếp tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy: Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Yên vẫn đang diễn ra, tập trung chủ yếu vào ban đêm nên gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng địa phương. Điều này cũng đã góp phần gây sạt lở bờ sông Yên ở những khu vực giáp ranh giữa huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn.

Để ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên khu vực sông Yên, từ đầu tháng 1/2017, 2 địa phương là huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn đã thống nhất lập điểm chốt chặn (tham gia có lãnh đạo các xã giáp ranh, lực lượng Công an, Quân sự xã) để kịp thời phát hiện, xử lý theo đúng quy định những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn cũng đã ký kết Quy chế phối hợp để đẩy đuổi tình trạng khai thác khoáng sản trái phép giữa các khu vực giáp ranh của 2 địa phương.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Ngà, Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam, huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn là 2 địa phương có nhiều đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi của tỉnh Quảng Nam. Ngoài đợt kiểm tra, kiểm soát này, trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát môi trường sẽ tăng cường công tác phối hợp với 2 địa phương nói trên để kiểm soát tốt tình hình khai thác khoáng sản, đặc biệt xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép khi bị phát hiện.

Khai thác khoáng sản quá mức đã gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Theo Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam Nguyễn Viễn, các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã phải tạm dừng hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản kể từ ngày 20/1 đến hết ngày 4/2 nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự. “Đây là động thái trước mắt sau khi liên ngành Công an, TNMT và chính quyền 2 địa phương Đại Lộc, Điện Bàn ra quân kiểm tra, xử lý các vi phạm về khai thác khoáng sản từ ngày 16/1 vừa qua. Đây cũng là biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tại các địa bàn được xem là “điểm nóng” của tỉnh".

Còn theo ông Phạm Ngọc Anh, Phó Trưởng phòng TN&MT thị xã Điện Bàn, Phòng TN&MT đã làm việc với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn. Nội dung các buổi làm việc với các doanh nghiệp này là nhằm đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực có khoáng sản và triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản tại thị xã Điện Bàn phải tạm dừng các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản kể từ ngày 20/1 (23 tháng Chạp) đến hết ngày 4/2 (mùng 8 tháng Giêng). Ngoài ra, các đơn vị phải bố trí lực lượng quản lý chặt chẽ khu vực mỏ được cấp phép và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy đuổi hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực được phép khai thác khoáng sản.

Có thể nói, những động thái trên của các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc, Điện Bàn thể hiện sự cương quyết trong ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản trái phép, song theo dư luận, lẽ ra tỉnh và huyện phải triển khai sớm hơn từ nhiều năm nay nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh. Bởi sạt lở không chỉ làm mất đất sản xuất mà còn đe doạ đến cuộc sống của nhân dân 2 bên bờ sông ở các địa phương như đã kể ở trên./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN