Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Quản lý thị trường Hà Giang tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Thứ Hai, 03/07/2023 08:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục QLTT Hà Giang đã tiến hành kiểm tra 423 vụ, tăng 3,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đã chuyển giao sang cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hà Giang 01 vụ; còn lại xử phạt vi phạm hành chính 366 vụ, đối với 384 hành vi vi phạm. So với cùng kỳ năm ngoái, số hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính tăng 16,2%. Các hành vi vi phạm chủ yếu là nhập lậu hàng hoá, giả mạo nhãn hiệu hàng hoá, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ…

 Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang tiêu hủy giầy không rõ nguồn gốc xuất xứ là tang vật của một vụ việc vi phạm hành chính 

Cục QLTT Hà Giang đã tiến hành tịch thu nhiều sản phẩm phụ tùng xe máy, quần áo, đồ điện, đồ gia dụng, mỹ phẩm các loại… trị giá gần 127 triệu đồng. Buộc tiêu huỷ một số sản phẩm như thóc giống, cánh vịt muối tẩm ướp, bánh, thạch xiên que, một số sản phẩm dược phẩm, dầu gội trị giá trên 63 triệu đồng.

Xử lý 18 hành vi vi phạm: trưng bày, chào hàng để bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Gucci, Bubery, Louis Vuitton, Makita, SamSung, Adidas, Nike, Dior… với số tiền nộp ngân sách 229 triệu đồng.

Tiêu huỷ số hàng trị giá gần 18 triệu đồng các mặt hàng mứt tết, bánh khoai, chả cá, xúc xích, gia vị lẩu, gà muối hoa tiêu, cánh gà, chân gà, thịt gà đông lạnh… Tịch thu số hàng hoá trị giá trên 49 triệu đồng các mặt hàng hoa tam thất khô, vòi sen, bình đựng nước.

Ngoài ra, ở thị trường Hà Giang còn có một số hành vi vi phạm khác như: không thực hiện niêm yết giá tại địa điểm kinh doanh, không thông báo website thương mại điện tử với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…

Trong các hành vi vi phạm hành chính 6 tháng đầu năm nay, nổi lên là các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế, nông nghiệp.

Theo đó, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, QLTT Hà Giang đã xử lý 161 hành vi, nộp ngân sách nhà nước trên 347 triệu đồng với các hành vi vi phạm: gian lận thời hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hoá, không treo biển thông báo không bán bia cho người dưới 18 tuổi…

Đối với lĩnh vực y tế, hành vi vi phạm phổ biến là niêm yết không đầy đủ, không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng tại nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược; không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề tại cơ sở kinh doanh thuốc tân dược... 34 hành vi vi phạm như vậy đã bị xử lý, thu nộp ngân sách nhà nước 123,5 triệu đồng.

Về lĩnh vực nông nghiệp, cơ quan chức năng đã xử lý 7 hành vi vi phạm như: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, để lẫn thuốc bảo vệ thực vật với các loại hàng hoá khác.  

Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm là trên 1,3 tỷ đồng, tăng 11,35% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số trên cho thấy, diễn biến trên tình hình thị trường tỉnh Hà Giang đang theo chiều hướng phức tạp hơn. Ông Vũ Quốc Khánh - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Giang cho rằng, do việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển; nhu cầu mua sắm hàng hoá, chăm sóc sức khoẻ của người dân bằng các hình thức trên nền tảng số và bằng chuyển phát nhanh ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng.

Vì thế, các đối tượng sẽ lợi dụng tình hình trên để thực hiện việc buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại với những phương thức, thủ đoạn như: đóng gói sẵn hàng hoá, trà trộn hàng giả với hàng thật bán cho người tiêu dùng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Thực tế này đòi hỏi lực lượng QLTT Hà Giang cần tiếp tục bám sát địa bàn, chú trọng kiểm tra, rà soát kỹ tình hình, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm nhằm nâng cao năng lực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng - ông Vũ Quốc Khánh - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hà Giang nhấn mạnh thêm./.

Tin và ảnh: Mai Hương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN