Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phú Thọ: Làm tốt công tác xã hội hóa trong y tế

Thứ Năm, 28/10/2021 09:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Xã hội hóa trong y tế là một chủ trương lớn của của Đảng và nhà nước. Tỉnh Phú Thọ đã có những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ quy mô 560 giường bệnh được xây dựng khang trang (Ảnh: H.T) 

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Phú Thọ là một trong các tỉnh có tỷ lệ chuyển tuyến thấp nhất trong toàn quốc. Nhiều bệnh lý trước đây phải chuyển tuyến từ 60% - 80% như: Ung bướu, Tim mạch, Huyết học… thì đến nay tỷ lệ này đã còn dưới 1%. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, qua đó góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh…

Nếu như giai đoạn 2010 - 2016, tổng gói tín dụng đầu tư cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh là 878 tỷ đồng. Trong đó các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và một số bệnh viện chuyên khoa (Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng) với gói tín dụng 500 tỷ đồng (vốn đối ứng của các đơn vị là 20%). Bệnh viện Đa khoa tỉnh với gói tín dụng 378 tỷ đồng. Từ gói tín dụng này, các cơ sở KCB đã đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại thuộc lĩnh vực: Hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, hệ thống xét nghiệm đồng bộ và nâng cấp cơ sở vật chất khoa khám bệnh, phòng mổ, khu điều trị chất lượng cao tại các đơn vị...

Đến giai đoạn 2016 - 2019, ngành Y tế đã đầu tư xây dựng mới Trung tâm Sản Nhi (nay là Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) quy mô 560 giường bệnh với tổng mức đầu tư là 1.499 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng 893,9 tỷ đồng; còn lại vốn huy động là 605,5 tỷ đồng. Xây dựng Trung tâm Đột quỵ quy mô 100 giường bệnh và Trung tâm Ung bướu 400 giường bệnh (tổng mức đầu tư 229,3 tỷ đồng; trong đó vốn vay ngân hàng là 186,4 tỷ đồng, vốn huy động là 42,9 tỷ đồng); nâng cấp, đầu tư trang thiết bị Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Huyết học và truyền máu trực thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh với số tiền 221 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến nay, các Trung tâm Y tế (TTYT): Cẩm Khê, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập đã đầu tư khu nhà điều trị nội trú chất lượng cao quy mô 150 - 200 giường bệnh xã hội hóa theo mô hình đối tác công tư với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng. Các TTYT: Lâm Thao, Phù Ninh, Tân Sơn, Tam Nông, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ cũng đầu tư 470 tỷ đồng (vốn vay Ngân hàng Sacombank) xây dựng khu nhà điều trị nội trú chất lượng cao, quy mô 100 - 200 giường bệnh xã hội hóa.

Do nguồn ngân sách nhà nước cấp cho đầu tư mua trang thiết bị còn hạn chế, nên từ 2015 đến nay kinh phí mua sắm trang thiết bị của các bệnh viện chủ yếu từ nguồn vốn vay ngân hàng và một phần kinh phí thu từ dịch vụ KCB với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ nguồn này, nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại đã được đầu tư như: Hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa tự động nhiều thông số, hệ thống máy chụp CT- Scaner đa dãy, hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI, máy xạ trị; các máy siêu lọc máu… Xây dựng hệ thống phòng mổ đạt tiêu chuẩn hiện đại, vô khuẩn, khép kín, một chiều.

Nếu như những năm trước, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh vừa thiếu và không đồng bộ thì nay diện mạo đã hoàn toàn khác. Toàn bộ các cơ sở y tế tuyến huyện đều đã có cơ sở hạ tầng khu KCB chất lượng cao khang trang; phòng mổ, khoa hồi sức cấp cứu hiện đại phục vụ người bệnh. Hiện các cơ sở KCB tuyến huyện đã thực hiện được từ 15 - 30% kỹ thuật vượt tuyến; thực hiện thành công các kỹ thuật cấp cứu nội, ngoại, sản, nhi và chấn thương, triển khai phẫu thuật nội soi, phẫu thuật PHACO, một số phẫu thuật về chấn thương sọ não, cắt tử cung toàn phần, thay ổ khớp nhân tạo...

Đến thăm TTYT huyện Thanh Ba, chúng tôi nhận thấy sự đổi thay lớn từ diện mạo bên ngoài đến chất lượng hoạt động bên trong. Khu vực KCB sạch sẽ, tiện ích và hiện đại với hệ thống lấy số khám bệnh và báo gọi tự động. Các phòng điều trị ngoài việc bố trí đầy đủ giường, tủ, chăn, đệm, quạt mát, điều hòa nhiệt độ,… còn có hệ thống ô xy đầu giường tiện lợi và an toàn. Phòng Mổ - Khoa Hồi sức cấp cứu hiện đại; khu nhà điều trị nội trú theo mô hình bệnh viện khách sạn khang trang, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.

Từ việc triển khai hiệu quả công tác xã hội hóa, các cơ sở y tế đã tích lũy được quỹ phát triển sự nghiệp để tái đầu tư cơ sở vật chất và phát triển nhân lực y tế. Mỗi năm Phú Thọ thu hút 60 - 100 bác sĩ về tỉnh công tác. Đến nay toàn ngành Y tế có gần 6.600 cán bộ y tế (tăng 2.140 người so với năm 2015); trong đó có 600 cán bộ y tế có trình độ sau đại học; 2.100 cán bộ y tế có trình độ đại học. Công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sĩ được quan tâm. Mỗi năm trung bình cử 12 -16 bác sĩ đi đào tạo tại nước ngoài; đồng thời cử nhiều kíp chuyên ngành đi học để triển khai các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị. Đội ngũ cán bộ y tế có cơ hội được tiếp cận với phương tiện hiện đại và công nghệ tiên tiến, chất lượng KCB được nâng lên rõ rệt.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều kỹ thuật loại đặc biệt mà trước đây chỉ có thể triển khai ở một số bệnh viện tuyến trung ương thì nay đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện đa khoa tỉnh như: Ghép thận, phẫu thuật tim hở, can thiệp mạch não…

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng là bệnh viện đầu tiên trong cả nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo IBM Watson Oncology trong hỗ trợ chấn đoán và điều trị ung thư và Rapid trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Đồng thời là vệ tinh của 8 bệnh viện tuyến Trung ương gồm: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện K Trung ương, Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương; đồng thời được công nhận là tuyến cuối tiếp nhận người bệnh chuyển tuyến từ một số bệnh viện tuyến tỉnh như: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc. Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện được gần 50% các kỹ thuật vượt tuyến.

Việc thực hiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa đã làm thay đổi nhận thức của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong việc huy động vốn để có trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn, không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Từ việc thực hiện hiệu quả công tác này đã góp phần làm giảm dần khoảng cách về chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh giữa tỉnh Phú Thọ với các địa phương khác và đặc biệt là với tuyến trung ương, góp phần đảm bảo tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

H.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN