Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phong tục cưới hỏi độc đáo của người Si La

Thứ Ba, 14/11/2023 07:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trong hệ thống các phong tục, tập quán lâu đời của người Si La, đám cưới là một nghi lễ dân gian quan trọng nhất trong chu kỳ một đời người. Phong tục dân gian này luôn thu hút sự quan tâm của nhiều dân tộc anh em khác sinh sống ở vùng cao Tây Bắc đất nước.

Người Si La hiện là một trong những dân tộc có số dân dưới 1.000 người, cư trú chủ yếu ở miền núi vùng Tây Bắc, tập trung tại Lai Châu và Điện Biên. Người Si La còn có tên gọi là Khờ Puớ, Khả Pẻ. Trước đây, đồng bào sống theo phương thức du canh, du cư, lên nhà cửa thường sơ sài, tạm bợ. Sau khi thực hiện định canh định cư, nhà ở đã được xây kiên cố, có vườn cây ăn quả, canh tác nương rẫy và ruộng nước, trồng ngô, lúa, cây hoa màu, có chuồng trại chăn nuôi ngựa, trâu, bò, dê, gà và vịt, có nghề thủ công đan lát.

Trong đời sống tín ngưỡng, người Si La thờ cúng tổ tiên chỉ tính tới hai đời, gồm bố mẹ, ông bà và tất cả những người trên ông bà đã khuất, từ thế hệ ông bà trở lên do trưởng họ thờ cúng. Đồng bào có hệ thống các nghi lễ truyền thống nổi bật có Lễ cúng bàn - lễ cúng quan trọng nhất nhằm cầu mong cho bản làng không ốm đau, bệnh tật, chăn nuôi, trồng trọt thuận lợi. Cứ chu kỳ 7 năm lại làm lễ cúng hồn lúa, dùng vợt bắt cá, gạo đưa đường để đưa hồn lúa từ nương về bản, tới nhà rồi cất kỹ trên bồ thóc. Người Si La ăn tết năm mới vào đầu tháng 12 âm lịch và ăn tết cơm mới.

Trong đời sống hôn nhân, lễ cưới là một hoạt động quan trọng trong chu kỳ đời người. Theo phong tục người Si La, để tiến tới hôn nhân, đồng bào phải thực hiện các nghi lễ chính như: “dạm hỏi”, “dạm ngõ” và “lễ cưới”, trong đó “lễ cưới” có ý nghĩa đặc biệt. Trước ngày cưới, gia đình làm cơm mời bà mối - người có uy tín trong bản làng về giúp đỡ gia đình. Bà mối thay mặt gia đình nhà trai đến thưa chuyện, bàn bạc các công việc liên quan đến đám cưới với họ nhà gái như: ngày đón dâu, lễ vật nhà gái yêu cầu nhà trai đáp ứng. Bà mối cũng là người chủ trì hôn lễ, giúp gia đình chuẩn bị lễ vật, thực hiện các nghi lễ truyền thống, đóng vai trò dẫn dắt điều hành buổi lễ. 

 Đồng bào Si La, bản Seo Hay, xã Can Hồ (Mường Tè - Lai Châu) giới thiệu lễ cưới truyền thống của dân tộc mình tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội).

Lễ cưới của người Si La gồm hai lần cưới: Lần thứ nhất, đúng ngày đã hẹn, chị hoặc em gái chàng trai sẽ đến nhà cô gái ngỏ lời xin dâu. Được sự chấp thuận nhà gái, đến giờ lành, bà mối dẫn đoàn nhà trai sang thưa chuyện với nhà gái, bàn các công việc liên quan tới lễ cưới và đón dâu, mẹ hoặc chị cô dâu sẽ dắt cô ra và trao gửi nhà trai. Tiếp đó về đến nhà trai sẽ tổ chức nghi thức lễ nhập gia cho cô dâu của người Si La. Khi đoàn đón dâu về đến nhà trai, mọi người phải ngồi ngoài cửa nhà đợi bố mẹ chồng đưa trang sức, khăn áo mới cho cô dâu thay mới vào nhà.

Trong Lễ cưới người Si La có thầy cúng làm lễ cho đôi vợ chồng trẻ. Ngày đầu tiên về nhà chồng đôi vợ chồng trẻ phải ngủ ở gian phía bên trái, chưa được vào buồng của mình. Lễ cưới lần thứ nhất đến đây đã xong và họ phải chờ một năm sau mới làm lễ cưới lần thứ hai.

Lễ cưới lần thứ hai diễn ra khi hai bên gia đình đã có đủ điều kiện tổ chức cho đôi vợ chồng trẻ. Lần này, đúng ngày hẹn, gia đình nhà trai nhờ ông mối đưa đồ dẫn cưới như đã thỏa thuận sang nhà gái và chính thức xin cho cô dâu về ở hẳn nhà trai. Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ làm thủ tục lại mặt nhà gái. Lúc này, cha mẹ cô gái  mới tặng quà cho cô con gái đi lấy chồng.

Đám cưới của người Si La là hoạt động có ý kết nối cộng đồng cao, trong lễ cưới tổng hòa nhiều hoạt động văn nghệ dân gian, đồng thời lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, thông qua những bài hát chúc phúc, những điệu múa dân tộc Si La vui nhộn, khi biểu diễn để chúc mừng hai gia đình, cho đôi vợ chồng trẻ. Lễ cưới là hoạt động dân gian đặc sắc không chỉ bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc Si La mà còn góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng văn hóa của bức tranh văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: Thanh Bình

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN