Phòng chống đuối nước ở trẻ em - trách nhiệm không của riêng ai
(ĐCSVN) - Từ nhiều năm qua, nhất là từ đầu năm đến nay, liên tục xảy ra các vụ đuối nước thương tâm đối với các em lứa tuổi học sinh. Thực tế đó đặt ra vấn đề cần chủ động đề phòng và nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các cấp, các ngành trong việc phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
Khoảng 16 giờ ngày 2/5, ba học sinh Trường THPT Điềm Thụy, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) bị tai nạn đuối nước trên khu vực sông Cầu (địa phận xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình).
Trước đó, ngày 9/4, hai học sinh lớp 12A6 trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) trong khi đi chụp ảnh kỷ yếu, tắm biển ở Thị xã Cửa Lò đã không may bị sóng cuốn mất tích.
Khoảng 11 giờ 50 phút, ngày 26/3, một nhóm gồm ba học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) rủ nhau ra Đà Nẵng chơi và đến bãi biển Xuân Thiều, quận Liên Chiểu để tắm. Do sóng to nên cả ba học sinh đều bị nước cuối trôi.
Một vụ việc thương tâm khác xảy ra vào đầu giờ chiều 29/3, bốn nữ sinh chết đuối khi rủ nhau đi tắm tại vùng ngập nước của hồ thủy điện Sê San (thuộc làng Tăng, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai).
Đó là một số vụ tai nạn đuối nước đau lòng xảy ra từ đầu năm 2017 đến nay.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên. Trung bình, mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ em bị chết đuối, nghĩa là có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước mỗi ngày.
Nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt bơi lội của thanh thiếu niên, nhất là vào những ngày thời tiết nóng bức tăng cao. Tuy nhiên, song hành cùng với nhu cầu trên là những mối nguy hiểm, đe dọa rình rập sức khỏe và tính mạng các em khi mà hiện nay, việc phổ cập, giáo dục kỹ năng bơi lội an toàn cho các lứa tuổi học sinh vẫn rất hạn chế.
Khác với học sinh thành thị có nhiều điều kiện tiếp cận với các khu vui chơi hiện đại, học sinh vùng nông thôn hiện nay vẫn đang rất thiếu những sân chơi an toàn và lành mạnh, nhất là vào mỗi dịp nghỉ hè. Vì vậy, nhiều em tại các vùng nông thôn thường rủ nhau ra sông, kênh, rạch để tắm, và nạn đuối nước đã liên tiếp lấy đi sinh mạng của các em.
Còn ở các khu vực đô thị, các khoảng không gian vui chơi dành cho học sinh cũng như con trẻ dường như thành chuyện quá xa xỉ, bởi nhiều nơi đã tận dung tối đa các khoảng đất, khoảng không gian vào việc kinh doanh thương mại, như: Nhà hàng, quán cà phê, bãi đậu xe... Và các em cũng không có chỗ vui chơi an toàn, lành mạnh. Nhiều em đã tự rủ nhau đi tắm ở những khu vực ao, hồ xung quanh mà không ai biết và tai nạn đã xảy ra...
Thiết nghĩ, để chủ động phòng ngừa và hạn chế các vụ đuối nước, các đơn vị chuyên trách cần chủ động tham mưu, đề xuất cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác truyên truyền, rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để nhân dân, nhất là trẻ em, học sinh biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm sông, hồ nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn chết đuối nước.
Với các bậc phụ huynh học sinh, cần tăng cường quản lý con em mình, không được cho con em đi tắm, bơi ngoài sông, hồ mà không có người lớn đi kèm. Không để các cháu chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu, sông, suối rất dễ gặp nguy hiểm. Nhà ở gần sông nước, ao, hồ cần làm cửa chắn và rào quanh nhà. Một điều tối quan trọng và vô cùng cần thiết đối với các bậc phụ huynh là cần trang bị kỹ năng bơi cho các con bằng cách cho con đến học bơi ở các trung tâm thể thao, những địa chỉ dạy bơi có uy tín.
Nhà trường cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục các em về những nguy hiểm có thể xảy ra khi tự đi bơi ở các ao, hồ, những khu vực cấm bơi lội; đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng học sinh trốn học hoặc lợi dụng giờ nghỉ tiết để đi tắm sông, biển hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn; phối hợp với gia đình quản lý các em ngoài giờ học, các giờ ngoại khóa...