Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phòng, chống COVID-19, đừng để mọi cố gắng trở thành vô nghĩa

Thứ Năm, 29/04/2021 20:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Thực tế này không chỉ cho thấy tính chất nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 mà còn tạo lên nhiều nguy cơ lớn đối về việc tái bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam...

 Tại Việt Nam, nhiều người dân còn tâm lý chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Hoàng Triều).

Khoảng hơn một tuần trở lại đây, thông tin về sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều quốc gia đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nổi bật là hình ảnh các bệnh viện ở Ấn Độ, Campuchia, Philippines... chật kín bệnh nhân COVID-19. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân làm tăng số lượng người dương tính với COVID-19 tại các nước này.

Bên cạnh sự nguy hiểm và tốc độ lây lan nhanh chóng của các biến thể virus mới (B117 và B1617) thì không thể không kể đến tâm lý chủ quan của người dân các quốc gia nói trên. Điển hình là tại Ấn Độ, làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ, với hàng trăm ngàn ca nhiễm và hơn 2.000 ca tử vong mỗi ngày gần đây đang được so sánh như một trận "sóng thần" với sức hủy diệt dữ dội. Tính đến ngày 28/4, tổng số ca nhiễm và ca tử vong ở nước này đã tăng lên lần lượt 17,6 triệu và hơn 196 nghìn người.

Nguyên nhân chính được cho là do tình trạng tập trung đông người đã không được kiểm soát liên quan đến các nghi lễ tôn giáo của người dân địa phương. Cụ thể, lễ hội tôn giáo Kumbh Mela bên bờ sông Hằng ở thành phố cổ Haridwar với sự tham gia của hàng nghìn người vẫn được tổ chức bất chấp nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19. Thêm vào đó, trong 2 tháng đầu năm nay, khi chương trình tiêm phòng COVID-19 được triển khai và số ca nhiễm sụt giảm thì người dân Ấn Độ ở một số nơi đã bắt đầu lơ là các quy tắc chống dịch. Hậu quả tất yếu là, dịch bệnh COVID-19 đã tái bùng phát trên toàn Ấn Độ, nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.

Những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á một lần nữa đã cho thấy cái giá phải trả cho sự chủ quan, lơ là của người dân trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Đối với Việt Nam, tuy đến thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 vẫn được ngăn chặn có hiệu quả nhưng tính chất nguy hiểm của dịch bệnh vẫn không hề giảm xuống. Việc dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nước láng giềng, lượng người nhập cảnh trái phép và số ca dương tính với COVID-19 (được cách ly ngay sau khi nhập cảnh) tăng từng ngày cũng khiến cho chúng ta đứng trước nhiều nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Và nguy hiểm nhất là, tư tưởng chủ quan với dịch bệnh vẫn tồn tại ở không ít người dân.

Cách đây chưa lâu, hàng vạn người đã dồn về khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam), hay gần đây nhất, nhiều nghìn người du khách cũng đã về Đền Hùng vào dịp giỗ Tổ 10/3 vừa qua. Bên cạnh những du khách tự giác chấp hành tốt các quy định về phòng dịch thì vẫn còn khá nhiều người cố tình vi phạm như không đeo khẩu trang, thực hiện khai báo y tế không trung thực... Dư luận đã thực sự lo lắng nếu một trong số những du khách nói trên dương tính với COVID-19 thì việc khoanh vùng dập dịch sẽ được tiến hành ra sao? Ngân sách Nhà nước sẽ tốn bao nhiều tiền và các lực lượng sẽ tiếp tục vất vả như thế nào nếu dịch bùng phát ở chính từ những “biển người” như vậy?

Đặc biệt, chỉ còn ít ngày nữa cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 kéo dài đến 04 ngày. Nhiều tỉnh, thành đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ với quy mô lớn; không ít gia đình cũng đã phòng tại các khu du lịch... Bên cạnh hiệu quả kích cầu các ngành du lịch dịch vụ... thì những hoạt động nói trên cũng tiềm ẩn những nguy cơ có thể khiến dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát trở lại, nếu công tác phòng dịch không được thực hiện tốt, nếu vẫn còn những cá nhân thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

 Đeo khẩu trang sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: BT).

Thông tin khiến nhiều người vui mừng đó là đến nay, rất nhiều địa phương trong cả nước đã quyết định dừng bắn pháo hoa dịp lễ 30/4 -01/5 để tránh tập trung đông người, góp phần phòng chống dịch COVID-19. Điển hình là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng... Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tạm dừng tổ chức các lễ hội và các tuyến phố đi bộ Hồ Gươm để phòng dịch COVID-19. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo, các tỉnh, thành xem xét hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp tổ chức, thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định. Điều này đã thể hiện rõ tinh thần quyết tâm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương.

Tuy nhiên, để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả, sẽ là không đủ nếu chỉ dừng lại ở quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương. Bởi ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 là trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và của mỗi người dân. Bài học về sự bùng phát của COVID-19 ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á cho thấy, mọi tâm lý chủ quan, lơ là trước dịch bệnh đều sẽ phải trả giá rất đắt; đó không chỉ là hàng tỷ USD để chi cho các dịch vụ y tế, là sự khủng hoảng của các lĩnh vực sản xuất mà còn là sinh mạng của hàng chục vạn người dân vô tội!

Do vậy, để tránh nguy cơ dịch tái bùng phát, rất cần thái độ kiên quyết của các cấp, ngành cùng tinh thần tự giác tuân thủ các quy định, luôn đề cao cảnh giác với dịch bệnh của mỗi người dân. Mỗi người cần thực hiện nghiêm "Thông điệp 5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, các khu, điểm du lịch; địa điểm tổ chức lễ hội. Người dân cũng không nên đến các khu đông người nếu không thực sự cần thiết. Đồng thời, các cơ quan chức năng và các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Có thể nói, thật may mắn khi đến nay cuộc sống của chúng ta vẫn được an toàn trong khi hàng trăm quốc gia trên thế giới đang căng mình để chống COVID-19. Song, vượt qua 3 đợt dịch và ngăn chặn thành công dịch bệnh COVID-19 không đồng nghĩa với việc ta đã đẩy lùi được dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa là cách để mỗi người tự bảo vệ mình, bảo vệ xã hội; đồng thời cũng thể hiện sự trân trọng, nâng niu thành quả phòng, chống COVID-19 của cả nước trong hơn 1 năm vừa qua./.

Phạm Như Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN