Phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nền tảng thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia
(ĐCSVN) – Thời gian qua, ngành y tế cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm tới chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tập trung chăm lo phát triển đồng bộ hệ thống y tế trong đó có chú ý tới mạng lưới y tế cơ sở.
Theo Sở Y tế tỉnh, hiện, toàn tỉnh có 9 trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã và 137 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, mạng lưới y tế cơ sở ngày càng được quan tâm củng cố, đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và đảm bảo an sinh xã hội. Hệ thống cơ sở hạ tầng của mạng lưới y tế cơ sở từng bước được nâng cấp, xây dựng; thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu. Trình độ chuyên môn, các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại cơ sở y tế dần được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.
Có thể kể đến một số điển hình: Tam Dương, Sông Lô, Vĩnh Yên… luôn chú trọng tới công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân cũng như thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Cơ sở vật chất các trạm y tế được đầu tư, xây dựng khang trang; hệ thống máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh tương đối đồng bộ; đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế nhằm hướng đến sự hài lòng của người bệnh; đáp ứng tốt nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân. Bên cạnh đó, đội ngũ y, bác sĩ thường xuyên được cử đi đào tạo đại học và sau đại học và các lớp đào tạo ngắn hạn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đối với trạm y tế xã, được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên cơ sở vật chất được đầu tư và nâng cấp, trang thiết bị y tế cũng được bổ sung. Đặc biệt là các trạm y tế có bác sĩ đã được trang bị: Máy siêu âm, máy điện tim và các thiết bị khác để phục vụ người bệnh ngay tại tuyến y tế cơ sở…
Thêm nữa, công tác y tế dự phòng được triển khai chủ động, tích cực và hiệu quả. Trước tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp, Sở Y tế chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, chỉ đạo các đơn vị y tế tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vệ sinh phòng bệnh, xây dựng các kế hoạch và tổ chức tập huấn phòng chống các dịch bệnh. Đặc biệt, ngành thực hiện có hiệu quả việc giám sát, hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch, điều tra, xử lý dịch, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế tỉnh cũng từng bước xây dựng hệ thống y tế hiện đại, hoàn chỉnh, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngành y tế tỉnh còn xác định rõ mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của ngành; năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị y tế trong ngành, với các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản, bao gồm:
Một là, tổ chức học tập, quán triệt tới cán bộ, công nhân viên trong ngành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực y tế. Tiếp tục đổi mới, nâng cao tinh thần thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Hai là, nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả của lĩnh vực y tế dự phòng, gắn với nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở từ huyện đến xã. Chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra; thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia; Kiểm soát tốt các bệnh không lây nhiễm.
Ba là, tăng cường phát triển kỹ thuật khám chữa bệnh theo phân tuyến, thực hiện tốt quy chế bệnh viện. Tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh. Đổi mới công tác quản lý, tăng cường cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh.
Bốn là, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Năm là, tăng cường công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý ở tất cả các tuyến để đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phấn đấu có những thầy thuốc giỏi về chuyên môn, tốt về y đức ở các lĩnh vực và các tuyến.