Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Hồng gắn với bảo vệ môi trường

Thứ Bảy, 10/06/2023 20:08 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã trao đổi, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị môi trường, hướng tới phát triển bền vững, các quy định, chính sách pháp luật về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế bền vững của mỗi địa phương và thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các cam kết đã đưa ra tại COP26.

Hội thảo vùng Đồng bằng sông Hồng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu Chỉ số Xanh cấp tỉnh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đã diễn ra ngày 9/6 vừa qua.

Mục đích của Hội thảo nhằm giới thiệu bối cảnh thế giới và những yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, chia sẻ kinh nghiệm tốt từ các tỉnh, thành phố về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đây cũng là diễn đàn để các địa phương, các chuyên gia thảo luận về chủ đề quan trọng này, chia sẻ các kinh nghiệm, bài học trong việc phát triển kinh tế, thu hút hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường. Sự kiện đặc biệt có ý nghĩa khi diễn ra tại Vĩnh Phúc, một địa phương có thế mạnh trong thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và đang chú trọng phát triển kinh tế bền vững, thu hút các dự án đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.

Quang cảnh Hội thảo vùng Đồng bằng sông Hồng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và giới thiệu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (Ảnh: PV) 

Tham dự hội thảo có ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI; ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Dự án PCI; ông Trevor Hublin, Quyền Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị Nhà nước USAID Việt Nam và hơn 150 đại biểu đại diện các sở, ngành, UBND các huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp của 11 tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và 4 tỉnh lân cận Vĩnh Phúc; đại diện các ban, đơn vị thuộc VCCI và các diễn giả, khách mời.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, xu hướng chung của thế giới là phát triển xanh. Do đó, thu hút đầu tư thời gian tới của Việt Nam cũng đã được định hướng xanh hơn, có chất lượng và công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao. Việt Nam có chủ trương xây dựng một môi trường đầu tư không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải xanh hơn, bền vững hơn. Điều đó đòi hỏi các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong hoạch định các chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.

Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày nay đang ở trong quá trình chuyển đổi để thích ứng tốt hơn trước các xu hướng toàn cầu. Hai xu hướng toàn cầu ngày càng rõ nét là thích ứng tốt hơn trước các nguy cơ mới, đặc biệt là biến đổi khí hậu, xu hướng thứ hai là kinh doanh xanh hơn, gắn kết kinh doanh với bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh chia sẻ xu hướng chung của thế giới là phát triển xanh (Ảnh: PV) 

Với xu hướng thích ứng tốt hơn, theo ông Vinh, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệch, chúng ta thấy được ảnh hưởng của dịch bệnh tới thế giới lớn như thế nào, rất khó đoán định tương lai có dịch bệnh gì khác hay không. Không chỉ dịch bệnh mà còn biến đổi khí hậu. Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia trên toàn cầu dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, các hoạt động đầu tư, kinh doanh cần phải trong tâm thế và tinh thần thích ứng tốt hơn với những thay đổi và nguy cơ.

Đối với xu hướng phát triển xanh hơn, xu thế chung của thế giới là cần phải chung tay bảo vệ môi trường. "Đây là vấn đề toàn cầu quan trọng, là trách nhiệm của tất cả các quốc gia, doanh nghiệp, người dân. Phát triển xanh phải nằm trong mọi yếu tố của quá trình phát triển. Đầu tư FDI thời gian tới của Việt Nam phải xanh hơn, có chất lượng hơn, công nghệ cao hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Vốn tín dụng cũng ưu tiên cho vay những dự án xanh, thân thiện với môi trường. Việt Nam phải xây dựng một môi trường đầu tư không chỉ thuận lợi về thủ tục mà phải xanh hơn, bền vững hơn", ông Vinh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh này, mới đây, VCCI lần đầu tiên đã công bố Chỉ số Xanh. Đây là bộ Chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh: mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường; thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề liên quan đến môi trường quan trọng khác.

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang đánh giá cao sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của VCCI  (Ảnh: PV)

Phát biểu chào mừng, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của VCCI. Đây là sáng kiến không những tạo cơ sở cung cấp thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở địa phương, mà còn tạo động lực để các địa phương có bước đi đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và trên thế giới.

Trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn nhận thức một cách rõ ràng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của Tỉnh, để hướng tới xây dựng một môi trường xanh song hành với một nền kinh tế - xã hội vững mạnh và văn minh. Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực trong việc giám sát, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề và sự phát triển nhanh chóng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh. Vĩnh Phúc đã vinh dự nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022 (trong đó xếp thứ 9/63 về Chỉ số xanh PGI) do VCCI bình chọn. Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị Tỉnh và cũng là động lực to lớn để Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường.

Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) lần đầu được giới thiệu trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Ban php chế VCCI giới thiệu về Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI. Chỉ số PGI gồm 4 chỉ số thành phần: (1) Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; (2) Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; (3) Thúc đẩy thực hành xanh; (4) Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Nếu chỉ số PCI là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, thì chỉ số PGI là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng quản trị môi trường địa phương dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Đặng Hồng Hạnh, đồng sáng lập - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) cho biết, đạt được mục tiêu net-zero, tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên liên quan và nhiều cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng, trong đó vai trò của địa phương là thiết yếu.

Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh là trung tâm sản xuất nhiệt điện than lớn nhất cả nước, để phát huy đầy đủ các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh của địa phương, tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững, Quảng Ninh đã chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa).

Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh trình bày về chỉ số xanh cấp tỉnh khởi động cho một nỗ lực và hành trình nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới quản trị ở tỉnh Bắc Ninh.

Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày kinh nghiệm của Tỉnh về chuyển đổi kinh tế xanh thông qua thực hiện phát triển thành phố xanh và bền vững.

Thông qua hội thảo, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã trao đổi, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị môi trường, hướng tới phát triển bền vững, các quy định, chính sách pháp luật về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế bền vững của mỗi địa phương và thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được các cam kết đã đưa ra tại COP26./.

 PGI lần đầu được giới thiệu trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Chỉ số PGI cung cấp thông tin đầu vào phục vụ hoạch định chính sách ở cấp Trung ương và địa phương, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp.
Nguyên Khang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN