Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát triển không gian kinh tế ở Tây Nguyên

Thứ Hai, 23/09/2024 11:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tây Nguyên được đánh giá là địa bàn chiến lược nhiều mặt, cần được quy hoạch và hoàn thiện các quy hoạch đảm bảo không gian phù hợp nhằm phục vụ sự phát triển nền kinh tế của vùng này một cách bền vững.

Cùng với phát triển các lĩnh vực kinh tế, không gian phát triển kinh tế theo từng địa bàn tại Tây Nguyên luôn được quan tâm để phát huy tiềm năng, lợi thế, hướng đến mục tiêu đưa Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững.

Trong định hướng phát triển của Tây Nguyên, cùng với việc phát triển các lĩnh vực kinh tế, không gian phát triển kinh tế theo từng địa bàn luôn được các địa phương trong vùng chú ý và dành nhiều quan tâm để thực hiện. Trong đó, các lĩnh vực đặc thù của Tây Nguyên được tập trung phát triển theo không gian kinh tế - xã hội.

Trước hết trong việc trồng và sản xuất các sản phẩm nông sản đặc thù, tại cả 5 tỉnh Tây Nguyên đều có lợi thế rất lớn trong việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, đem lại giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, tiêu, điều, chè. Cạnh đó, các địa phương Tây Nguyên cũng xác định lĩnh vực mang lại lợi thế đặc thù là phát triển các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó Lâm Đồng, Đắk Lắk được đánh giá là có tiềm năng lớn trong phát triển các cụm nnông nghiệp công nghệ cao như mô hình chăn nuôi trang trại nông nghiệp, vùng chuyên canh rau sạch, vùng chuyên canh chè, cà phê, hoa, nấm, dược liệu, cây ăn quả.

Cùng với đó, các cụm nông nghiệp công nghệ cao có thể thu hút các mô hình sản xuất cá thể, tư nhân, quốc doanh, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hướng tới xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên hiện cũng được các địa phương quan tâm triển khai.

Đến nay, thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang tiếp tục quan tâm đầu tư, mở rộng các mô hình sản xuất, chế biến các sản phẩm có lợi thế đặc thù. Trong đó, các ngành công nghiệp chế biến đang là lơi thế và ưu tiên hàng đầu mà các tỉnh Tây Nguyên chú trọng, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm nguyên liệu thô của vùng nguyên liệu chủ lực của vùng, bao gồm sản xuất, chế biến tại chỗ để gia tăng giá trị cho sản phẩm đặc thù. Cụ thể là ngành công nghiệp chế biến nông sản được thành lập đối với một số sản phẩm như chế biến cao su, chế biến rau quả, chế biến bột giấy và giấy, chế biến bột sắn, chế biến cà phê, chế biến hạt tiêu, chế biến chè, chế biến bột ca cao và sô cô la, chế biến sữa, chế biến hạt điều.

Cùng với định hướng trên, theo không gian lãnh thổ, công nghiệp chế biến nông lâm sản tại Tây Nguyên đang tập trung vào các cùng giàu nguyên liệu nông sản, chẳng hạn như nguyên liệu cao su ở Đắk Tô (Kon Tum), Chư Sê (Gia Lai), Cư Kuin (Đắk Lắk), Đắk Glong (Đắk Nông); cụm công nghiệp chế biến cà phê dự kiến đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, hoặc một số huyện đang giàu có về nguyên liệu cà phê như Đắk Mil (Đắk Nông), Đà Lạt (Lâm Đồng).

Trong các cụm này, có thể xây dựng mô hình chuỗi liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Chuỗi liên kết có sự hỗ trợ giúp đỡ của chính phủ, chính quyền địa phương, các viện nghiên cứu, các nhà phân phối và lấy các doanh nghiệp chế biến làm hạt nhân của chuỗi.

 Tây Nguyên tập trung ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao.

 Bên cạnh với chế biến, khai thác lợi thế từ vùng nguyên liệu nông lâm nghiệp, ngành năng lượng tái tạo tại Tây Nguyên cũng đang hứa hẹn với nhiều tiềm năng. Trong đó, năng lượng bức xạ ở khu vực ở Tây Nguyên được đánh giá là dồi dào và tương đối ổn định giữa các tháng trong năm, với giá trị trung bình khu vực vào khoảng 1862,8 kWh/m2/năm.

Tuy nhiên, sự phân hóa theo không gian về tiềm năng năng lượng bức xạ ở khu vực này là không lớn, dao động từ 1.700 kWh/m2/năm đến 1.900 kWh/m2/năm. Tiềm năng năng lượng bức xạ tại đây cũng không biến động nhiều theo thời gian trong năm; thấp nhất vào các tháng mùa thu và cao nhất vào các tháng mùa xuân; dao động từ khoảng 4,0-6,0 kWh/m2/ngày đến 5,5-5,7 kWh/m2/ngày.

Về phát triển ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, theo không gian lãnh thổ, ngành này chủ yếu tập trung vào những vùng có nhiều tài nguyên khoáng sản đặc thù như nhôm, bô xít tại các tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng.

Một lĩnh vực khá lợi thế khác ở Tây Nguyên là phát triển các ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao. Riêng đối với phát triển du lịch, với địa hình đa dạng, nhiều nét văn hoá và sinh thái đặc thù, Tây Nguyên có tiềm năng trong phát triển các cụm du lịch theo nhiều hình thức khác nhau (như du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch nông nghiệp) và hình thành nhiều tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh, nội vùng, ngoại vùng và xuyên biên giới.

Theo nhận định, du lịch Tây Nguyên đang hướng tới các làng nghề thủ công truyền thống, tập trung vào một số nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm (áo, khố, váy, túi xách, khăn, chăn, ví) và nhạc cụ truyền thống (đàn T’rưng, đàn Kơ ní, đàn Goong, đàn Bro Mong, đàn Krong but, gùi, nỏ, kiếm). Các cụm làng nghề này thực hiện theo mô hình “mỗi làng một sản phẩm”, nhằm bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, phát triển thương mại và du lịch.

Ngoài ra, các cụm làng nghề thủ công truyền thống này cũng sẽ được dựa trên hạt nhân là các hợp tác xã nông nghiệp, dựa trên những giá trị văn hoá lâu đời mang tính đặc thù để sáng tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống mang đặc trưng riêng của mỗi vùng. Hướng đi này vừa phát huy, khai thác tốt những lợi thế chung của toàn vùng, nhưng đồng thời cũng là hướng đi đặc trưng của mỗi địa bàn, mỗi địa phương trong vùng cần chú trọng để phát triển mạnh và nhanh hơn trong những năm tới./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN