Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều nguồn lực đặc thù để Tây Nguyên phát triển

Thứ Hai, 09/09/2024 14:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có nhiều nguồn lực đặc thù về lợi thế khí hậu, tài nguyên đất đai và rừng, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản… Với những lợi thế về nguồn lực đặc thù này, Tây Nguyên được đánh giá là vùng đất có tiềm năng, góp phần cùng cả nước phát triển, trở thành một cực và là trung tâm lớn về nhiều mặt của đất nước.

Với lợi thế về đất đai, khí hậu sẽ giúp Tây Nguyên phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị. 

Trước hết, Tây Nguyên có lợi thế về khí hậu. Đây là vùng nhiệt đới gió mùa mang đặc trưng của vùng cao nguyên với 3 tiểu vùng khí hậu tương ứng với 3 tiểu vùng địa hình, gồm Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai), Trung Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông) và Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng).

Khí hậu cao nguyên có đặc trung là ngày nắng, đêm mát, nhiệt độ và lượng mưa không đều giữa các vùng tạo nên sự đa dạng về điều kiện khí hậu cho vùng đất này. Hệ sinh thái nơi đây mang nhiều nét đặt thù, hình thành nên các hệ sinh thái nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới đa dạng, trong đó có nhiều hệ sinh thái đặc biệt quý hiếm như rừng Khộp ở Ea Súp, Krong Na (vườn quốc gia Yok Đôn), nơi có nhiều hệ động thực vật quý hiếm; rừng thông ở Đà Lạt (Lâm Đồng), rừng kín ẩm ôn đới trên núi cao như rừng thông, pơ mu (Ngọc Linh, Chư Yang Sin), rừng sâm Ngọc Linh, các vườn quốc gia Ngọc Linh (Kon Tum), Chư Mong Ray (Kon Tum), Kon Ka Kinh (Gia Lai), Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Bidoup núi Bà, Cát Tiên (Lâm Đồng), Yok Đôn (Đắk Nông, Đắk Lắk) là nơi có sự đa dạng hoá sinh học cao, thời tiết mát mẻ, se lạnh của vùng cao nguyên.

Điều kiện khí hậu cao nguyên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quang hợp của cây cối, khiến cây cối nơi đây có năng suất sao, chất lượng tốt, rất thích hợp để trồng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su, chè... có giá trị kinh tế cao, mang giá trị đặc thù và biến Tây Nguyên trở thành vùng nguyên liệu nông sản lớn trên cả nước. Hơn nữa, điều kiện khí hậu đặc thù với sự khác biệt, đa dạng, phân hoá theo mùa tạo nên nét riêng cho phong cảnh nơi đây, là lực hút đối với phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù trên cao nguyên.

Lợi thế kế đến là về tài nguyên đất đai và rừng: Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn trong phát triển một số cây trồng cạn, lâu năm hoặc hàng năm. Nhóm đất đỏ vàng và mùn vàng có diện tích lớn nhất ở Tây Nguyên, chiếm 79,06% diện tích đất tự nhiên. Nhóm đất này có độ phì nhiêu cao, phù hợp cho việc trồng các cây trồng cạn, lâu năm hoặc hàng năm như cao su, cà phê, tiêu, chè, cây lương thực các loại. Trong nhóm đất này, đất đỏ bazan là loại đất mang tính chất đặc thù bởi đất này có tầng đất hữu hiệu dày, cấu trúc tơi xốp, có khả năng thấm và giữ nước tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với nhiều loại đất khác... Diện tích các loại đất bazan ở Tây Nguyên trên 1.549.292 ha; chiếm khoảng 25% diện tích tự nhiên toàn vùng và chiếm trên 50% tổng diện tích đất bazan toàn quốc; phân bố chạy dài từ tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đến Lâm Đồng.

Phần lớn diện tích các loại đất bazan ở Tây Nguyên hiện nay được khai thác trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, phân bố tập trung ở 5 cao nguyên: cao nguyên Kon Hà Nừng (Kon Tum, Gia Lai), cao nguyên Pleiku, cao nguyên Buôn Ma Thuột, cao nguyên Di Linh và cao nguyên Đắk Nông.

Đất phù sa ở Tây Nguyên được phân bố dọc các con sông lớn, tập trung ở các tỉnh GiaLai, Đắk Lắk và Lâm Đồng, là nhóm đất được phân bố ở địa hình bằng phẳng, gần nguồn nước nên thuận lợi cho việc canh tác lúa nước, hoa màu, cây ăn quả, chăn nuôi, thuỷ sản.

Lợi thế về nước, đặc biệt là các ghềnh, thác ở Tây Nguyên sẽ là những điểm nhấn thu hút khách để phát triển du lịch. 

Lợi thế nữa là về tài nguyên nước: Tây Nguyên có hệ thống sông suối khá dày đặc, nhiều gềnh thác, là nơi khởi nguồn của 4 hệ thống sông chính là sông Pô –ô - Sê San (Kon Tum) đổ vào sông Mê Kông, sông Ayun đổ vào sông Đà Rằng, chảy ra biển Đông, sông Sêrêpôk (Đắk Lắk) đổ vào sông Mê Kông và sông Đồng Nai (Đắk Nông, Lâm Đồng) đổ ra biển Đông.

Do địa hình mang tính đặc thù, các con sông này có tiềm năng thuỷ điện dồi dào, chỉ đứng thứ hai cả nước sau sông Hồng. Tổng lượng nước mặt các con sông ở Tây Nguyên là khoảng 50,2 tỷ m3, trong đó sông Serekok đứng đầu (14,5 tỷ m3), sông Sê San (13,3 tỷ m3), sông Ba (7,6 tỷ m3), sông Đồng Nai (9,3 tỷ m3) và các con sông nhỏ đầu nguồn như sông Thu Bồn, sông Trà Khúc (5,5 tỷ m3).

Như vậy, Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn trong phát triển thuỷ điện, đặc biệt là thuỷ điện vừa và nhỏ. Tây Nguyên cũng là nơi có cảnh quan hung vĩ, có những thác nước đẹp bậc nhất ở Việt Nam, đặc biệt là 7 ngọn thác: Dray Nur, Dray Sap, Gia Long, Trinh Nữ, Thuỷ Tiên, Diệu Thanh, Krong Kma.

Theo thống kê Tây Nguyên có khoảng 80 thác và ghềnh khác. Tây Nguyên được đánh giá là “bảo tàng của các thác nước” Việt Nam bởi sự phong phú và đa dạng. Ngoài ra, Tây Nguyên còn có nhiều hồ lớn, phong cảnh hữu tình như hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Lắk, hồ Ayun Hạ, hồ Tuyền Lâm, biển Hồ. Đây là một tiềm năng rất lớn để khai thác phát triển nhiều loại hình du lịch nghĩ dưỡng, du lịch cắm trại, du lịch tắm thác, câu cá, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm...

Phát triển cây cây cao su- Một thế mạnh của Tây Nguyên. 

Lợi thế tiếp nữa là về tài nguyên khoáng sản: Tây Nguyên có hơn 50 loại khoáng sản thuộc 3 nhóm lớn: khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại và khoáng sản vật liệu xây dựng. Trong số các loại khoáng sản trên, bôxit là khoáng sản có trữ lượng lớn nhất, khoảng 3,05 tỷ tấn, chiếm 91,4% trữ lượng bôxit trên cả nước, trong đó Đắk Nông chiếm 60,33%, Lâm Đồng chiếm 19,18%, Kon Tum chiếm 11,97% trữ lượng cả nước.

Ngoài bôxit, Tây Nguyên có trữ lượng lớn quặng vàng, vật liậu xây dựng, đá quý, than bùn, than nâu và một số kim loại màu nặng. Vàng có trữ lựng khoảng trên 10 tấn vàng gốc và 45 tấn quặng vàng, phân bố ở Kon Tum (4 địa điểm), Gia Lai (14 địa điểm), Đắk Lắk và Đắk Nông (3 địa điểm), Lâm Đồng (chủ yếu là vàng sa khoáng, tập trung ở Đức Trọng). Đá quý được phát hiện ở Đắk Mil, Chư Sê, Pleicu, Đăl Me. Vật liệu xây dựng có trữ lượng vừa và nhỏ, chủ yếu là đất sét, đá vôi, cao sa lanh, đá xây dựng các loại.

Có thể nói, với những nguồn lực đặc thù kể trên là lợi thế lớn để Tây Nguyên khai thác, phát triển trong thời gian đến. KHi những lợi thế này được đánh thức sẽ giúp Tây Nguyên phát triển, trở thành một cực và là trung tâm lớn về nhiều mặt của đất nước./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN