Phát triển công nghiệp điện tử: Cơ hội và chiến lược nào cho Việt Nam
(ĐCSVN) - Để có nên công nghiệp điện tử thành công, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần định hướng kinh doanh đi từ trên xuống: “Thiết kế, phát triển sản phẩm -> Gia công sản xuất” nhằm rút ngắn thời gian, làm chủ công nghệ và tự chủ nền kinh tế. Cùng với đó, thu hút nguồn lực kỹ sư, chuyên gia người Việt Nam có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở các Công ty điện tử lớn tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ để lấp đầy phần kiến thức và kinh nghiệm thực tế của kỹ sư trong nước mà các quốc gia khác phải mất 30 năm để có được…
- Bàn giao thiết bị công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp vi mạch
- Giải pháp phát triển nhanh ngành công nghiệp điện tử
Các đại biểu tham dự tọa đàm. |
Ngày 19/12 tại tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Tập đoàn TTC, Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn SUN Electronics tổ chức tọa đàm: "Phát triển công nghiệp điện tử: Cơ hội và chiến lược nào cho Việt Nam".
Là một người người Việt Nam có quãng thời gian dài làm việc, đầu tư tại Thung lũng Silicon (Mỹ), ông Huỳnh Tấn Bửu– Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun Electronics đã chia sẻ về cơ hội và chiến lược phát công nghiệp điện tử Việt Nam. Theo ông Bửu, Việt Nam đang nắm bắt cơ hội lớn khi tình hình các quốc gia châu Âu, Mỹ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia cạnh tranh khác trong khu vực như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Đặc biệt, thị trường và nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 thay đổi khá lớn, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vì vậy, ông Bửu cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng phát triển công nghiệp điện tử, trong đó cần kết nối nguồn lực sẵn có trong nước và đội ngũ kỹ sư/chuyên gia người Việt Nam tại nước ngoài để đào tạo, chuyển giao công nghệ và rút ngắn thời gian cạnh tranh trên thị trường điện tử quốc tế. Khai thác nhu cầu thị trường nội địa song song với việc kết nối hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.
Đánh giá về nền công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay, ông Huỳnh Phú Minh Cường, Phó Trưởng Khoa, Khoa Điện-Điện Tử, Trường ĐHBK, ĐHQG TP Hồ Chí Minh cho rằng: Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã hình thành và trải qua một thời kỳ phát triển dài hơn 40 năm nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức độ lắp ráp thiết bị với linh kiện và các vi mạch chính đều được mua của nước ngoài, hay thương mại các sản phẩm được thiết kế từ nước ngoài. Phương thức hoạt động này làm cho các sản phẩm điện tử ở Việt Nam có giá trị gia tăng rất thấp, khó cạnh tranh với các sản phẩm điện tử được sản xuất ở nước ngoài và nền công nghiệp điện tử đã phát triển rất chậm, chưa thể hiện được vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế đất nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào hoạt động gia công để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ.
Nhìn kinh nghiệm từ các nước có nên công nghiệp điện tử phát triển, cách đây khoảng 40 năm, Hàn Quốc đã làm thương hiệu riêng cho họ và đến nay Hàn Quốc đã có được vị trí quan trọng trên bản đồ ngành điện tử giá trị cao trên thế giới, điều này một phần do chính phủ quyết tâm và có chiến lược đầu tư đúng đắn. Để có nên công nghiệp điện tử thành công, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần định hướng kinh doanh đi từ trên xuống: “Thiết kế, phát triển sản phẩm -> Gia công sản xuất” nhằm rút ngắn thời gian, làm chủ công nghệ và tự chủ nền kinh tế.
Cùng với đó, thu hút nguồn lực kỹ sư, chuyên gia người Việt Nam có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở các Công ty điện tử lớn tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ để lấp đầy phần kiến thức và kinh nghiệm thực tế của kỹ sư trong nước mà các quốc gia khác phải mất 30 năm để có được…
Để có một nền công nghiệp điện tử phát triển mạnh mẽ, bền vững, với nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm, ông Huỳnh Phú Minh Cường nêu giải pháp, Việt Nam cần tập trung vào thiết kế các sản phẩm điện tử, làm chủ công nghệ, thay vì chỉ gia công hay chỉ thương mại. Thông qua thiết kế, tối ưu phần cứng và phần mềm (firmware), nhiều ý tưởng sáng tạo về tính năng mới của sản phẩm được hiện thực, từ đó tạo ra nhiều giá tri gia tăng cho sản phẩm.
Bên cạnh khâu thiết kế, Việt Nam cần xây dựng các nhà máy sản xuất EMS sản xuất các sản phẩm điện tử này, đặc biệt là nhà máy chế tạo High-Mix/Low-Volume.
Mặt khác, Việt Nam cũng cần ưu tiên tận dụng nguồn lực có kinh nghiệm từ nước ngoài và phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước phục vụ thiết kế board mạch điện tử và vận hành nhà máy. Doanh nghiệp cần phát triển các mối hợp tác với các trường đại học trong việc đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển. Các ĐH của Việt Nam hiện nay đáp ứng tốt nhu cầu này.
Đặc biệt theo ông Cường, ngành công nghiệp điện tử cần những cơ chế chính sách của nhà nước để phát triển các sản phẩm “Make in Việt Nam”.
Việt Nam cần tập trung vào thiết kế các sản phẩm điện tử, làm chủ công nghệ, thay vì chỉ gia công hay chỉ thương mại. |
Tại hội thảo nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thực trạng nhu cầu tiêu dùng và thị trường tiêu thụ trong nước còn khá lớn, vì vậy doanh nghiệp Việt cần nắm bắt nhu cầu thị trường nội địa để đưa ra sản phẩm ứng dụng cao. Mặt khác doanh nghiệp Việt cần sự hỗ trợ từ Chính phủ bằng cách công bố những nhu cầu hiện tại của thị trường trong nước, để các doanh nghiệp nắm bắt và triển khai. Điểm trọng yếu này sẽ có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh công bằng để làm ra sản phẩm tốt nhất và nhanh nhất.
Việt Nam đang định hướng ngành công nghệ điện tử và bán dẫn, vi mạch là ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia, các chuyên gia chia sẻ, đây là bài toán hóc búa cho các doanh nghiệp, cần có những giải pháp thực tế với nền tảng và khả năng hiện tại. Ngoài ra, phải có định hướng chiến lược dài hạn, thực tế hơn.
Để hiện thực hóa việc thiết kế, sản xuất sản phẩm nhanh nhất tại Việt Nam, ông Huỳnh Tấn Bửu – Tổng Giám Đốc của Sun Electronics thông tin, cả Việt Nam chưa có bất cứ nơi nào đào tạo về công nghệ điện tử và bán dẫn, vi mạch. Hiện nay chúng tôi - Sun Electronics và Khu CNC sẽ hợp tác để thành lập Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (IETC), nơi đây đào tạo từ các kỹ thuật viên đến thạc sỹ sau khi học xong các khoá học được cấp các chứng chỉ Quốc tế được công nhận Quốc tế và đặc biệt được trang bị các kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia kinh nghiệm lâu năm về điện tử tại Thung lũng Silicon Hoa Kỳ. Theo đó, qua các khoá đào tạo, cùng với việc thực hành ngay tại những nhà máy sản xuất điện tử đa năng và chất lượng cao. Chúng ta sẽ dần xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế từ đó sẽ đẩy mạnh ngành công nghiệp điện tử trong nước phát triển cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.
Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Anh Tuấn cho biết sẽ hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược phát triển vi mạch, trong đó có sự huy động nguồn lực của các bộ, ngành, doanh nghiệp cùng tham gia; kết nối doanh nghiệp trong nước, các trung tâm nghiên cứu với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp và hiệp hội bán dẫn Mỹ. Ngay trong tháng 1 năm 2023 Bộ sẽ thực hiện các chương trình chi tiết cho việc kết nối để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử.
Ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai Trung tâm đào tạo quốc tế về điện tử (IETC) giữa Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP Training) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun Electronics. |
Bên cạnh đó với công nghiệp điện tử, Bộ có thông tư ban hành chính sách miễn thuế cho tất cả các linh kiện, đây là lần đầu tiên có ưu đãi lớn cho doanh nghiệp điện tử, tạo điều kiện cho ngành điện tử phát triển trong thời gian tới.
*Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra lễ Ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai Trung tâm đào tạo quốc tế về điện tử (IETC) giữa Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP Training) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun Electronics ./.