Phát huy lợi thế cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết việc làm trong bối cảnh dịch bệnh
(ĐCSVN) - Kinh tế Việt Nam mặc dù đã và đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có lĩnh vực tăng trưởng âm, nhưng GDP vẫn có tốc độ tăng trưởng dương. GDP 9 tháng tuy chỉ tăng 1,42%, nhưng trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động.
Một công đoạn sản xuất tại Công ty TNHH công nghiệp chính xác Việt Nam (Ảnh: Đặng Hiếu) |
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc làm
Đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, điều này đã tác động trực tiếp đến việc làm của người lao động. Dịch bệnh kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9 sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong tháng 9, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm rất mạnh, tới 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; tính chung 9 tháng, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 9, trong số 3.899 doanh nghiệp thành lập mới của cả nước, thì số lao động đăng ký là 49,9 nghìn lao động, tăng 15% về số lao động so với tháng 8/2021, nhưng tính chung 9 tháng, tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, nhờ những biện pháp quyết liệt trong phòng chống đại dịch của Chính phủ và của cả hệ thống chính trị, nên theo một kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 với 73,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn, và chỉ có 26,3% số doanh nghiệp dự báo là khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất, với 79,4% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn và giữ ổn định so với quý III; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%. Đây là một tín hiệu lạc quan cho thị trường lao động và việc làm trong thời gian tới nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Nhìn tổng thể, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm quý III, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,4 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,4%.
Xét về lao động có việc làm, lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III ước tính là 47,5 triệu người, bao gồm 14,5 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 30,6% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 15,8 triệu người, chiếm 33,3%; khu vực dịch vụ 17,2 triệu người, chiếm 36,1%. Tính chung 9 tháng năm nay, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49,1 triệu người, bao gồm 14,1 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,2 triệu người, giảm 1,4%; khu vực dịch vụ là 18,8 triệu người, giảm 2,3%. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,0%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,07%.
Tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 để giải quyết việc làm
Một điểm đáng chú ý, khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, thì đã xuất hiện nhiều phương thức làm việc mới, như làm việc online, bán hàng online, giao dịch online, học tập online, thưởng thức nghệ thuật online như trưng bày bảo tàng trực tuyến, biểu diễn trực tuyến... cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) ngày càng hiện hữu và đã có tác động trực tiếp đến thị trường lao động cũng như giải quyết việc làm. Do vậy, vấn đề là cần đẩy mạnh ứng dụng lợi thế từ CMCN 4.0 vào thị trường lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp và khó lường.
Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, CMCN 4.0 có tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức, cá nhân, an ninh, kiểm soát dịch bệnh,... Đối với kinh tế đó là những thay đổi về tăng trưởng, việc làm và bản chất công việc. Đối với Chính phủ, đó là những tác động tới chỉ đạo và điều hành trong thời đại số, sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Đối với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh là kỳ vọng của người tiêu dùng, dữ liệu thông tin sản phẩm, hợp tác đổi mới và các mô hình hoạt động mới, các dịch vụ và mô hình kinh doanh mới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được coi như điểm nhấn của kỷ nguyên số và nó có tác động mạnh mẽ đến các ngành và nghề trong nền kinh tế của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam - một quốc gia có nguồn cung lao động khá dồi dào và ổn định với hơn 55 triệu lao động.
Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Để tận dụng tốt những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại đối với phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nguồn nhân lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc về công tác quản lý phát triển nguồn nhân lực. Phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc theo dõi, dự báo và xây dựng kế hoạch thu hút phát triển nguồn nhân lực.
Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cơ quan, doanh nghiệp, người lao động về cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của nó đến nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng để chuẩn bị tâm thế ứng phó với các tác động này.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lao động, việc làm theo hướng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động thông duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, hỗ trợ đào tạo để thích ứng với bối cảnh mới, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp và diễn biến khó lường.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp, tạo bước chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp thích ứng với CMCN 4.0 trong đó chú trọng theo hướng xây dựng kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu việc làm của hiện nay và sau này.
Xây dựng, đầu tư cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn toàn diện để có thị trường lao động đa dạng. Vì, nếu muốn trở thành một nền kinh tế tri thức và tận dụng được các cơ hội có được từ những xu hướng lớn, Việt Nam cần có một hệ thống phát triển kỹ năng đa dạng có khả năng đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu mới về kỹ năng khi thị trường lao động phát triển.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động, đặc biệt là dự báo nhu cầu lao động của các ngành nghề phổ biến trong bối cảnh công nghiệp 4.0 để định hình chính xác nhu cầu của thị trường, đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và giúp người lao động chọn được nghề để học, chọn được việc để làm, có được việc làm phù hợp trước những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động.../.