“Nữ thanh niên đặc thù làng Greo Pết”
(ĐCSVN) - Được thành lập từ tháng 4/2023, câu lạc bộ “Nữ thanh niên đặc thù làng Greo Pết” ở xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai ra đời với thành viên đều là người dân tộc Jrai.
Sinh hoạt thường kỳ 1 tháng/lần, câu lạc bộ “Nữ thanh niên đặc thù làng Greo Pết” là một trong số 14 mô hình, câu lạc bộ được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Dun triển khai ở địa bàn có đến trên 80% là người dân tộc thiểu số này.
Sinh ra và lớn lên đều ở làng Greo Pết nên dù tuổi đời còn trẻ nhưng các thành viên hiểu rất rõ phong tục tập quán, đặc biệt là những hủ tục cần xóa bỏ để từ đó, bằng trí tuệ, sự khéo léo, phát huy vai trò, trách nhiệm của nữ thanh niên dân tộc thiểu số tích cực vận động bà con kiên quyết không duy trì những tập tục lạc hậu, nhất là tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết ở địa phương.
Tham gia sinh hoạt, các thành viên “Nữ thanh niên đặc thù làng Greo Pết” được tuyên truyền, phổ biến nhiều chủ đề hữu ích - Ảnh: Mai Ka |
Bà Rah Lan HNhum, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Dun cho hay, tại các buổi sinh hoạt, thành viên câu lạc bộ được phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; về sức khỏe sinh sản, tình yêu và giới tính... Sau đó, các thành viên câu lạc bộ tiếp tục đến từng hộ gia đình để mang những thông tin đã được lĩnh hội vận động người dân nắm rõ được những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng như nắm bắt tình hình, thông báo kịp thời tới cán bộ Hội, chính quyền những hiện tượng có thể dễ dẫn đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết hay bạo lực gia đình để kịp thời can thiệp.
Siu Hương, thành viên câu lạc bộ chia sẻ: "nội dung những kiến thức được truyền đạt không chỉ bổ ích với một nữ sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú như em mà còn giúp các nữ thanh niên đang hoặc chưa tham gia câu lạc bộ rèn kỹ năng sống, cách bảo vệ bản thân, kiên quyết "nói không", từ chối những tập tục lạc hậu... để có cuộc sống tốt hơn".
Với thông điệp “Không kết hôn sớm, không lấy nhau trong cùng dòng họ”, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình... liên quan đến nội dung này được biên soạn kèm hình ảnh rất dễ nhớ, dễ hiểu để thành viên câu lạc bộ tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Dù mới đi vào hoạt động chưa được nửa năm nhưng đã có trường hợp câu lạc bộ phát hiện, can thiệp thành công, để một bạn nữ ở tuổi như em không phải lập gia đình sớm nữa, Siu Hương hào hứng chia sẻ.
Câu lạc bộ “Nữ thanh niên đặc thù làng Greo Pết” là câu lạc bộ đầu tiên được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Sê thành lập nhằm giúp các nữ thanh niên tiếp cận với tổ chức Hội để được trang bị kiến thức cần thiết về hôn nhân và gia đình. Hoạt động của câu lạc bộ cũng góp phần nâng cao chất lượng công tác tập hợp, thu hút hội viên người dân tộc thiểu số, đẩy mạnh các phong trào phụ nữ và hoạt động Hội ở địa phương. T
Cùng với đó, đây cũng là một trong số hơn 30 mô hình “nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trên địa bàn tỉnh Gia Lai hướng tới nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình hội viên, phụ nữ, Nhân dân; góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thốngi, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực.
Gia Lai từng là điểm nóng về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, riêng năm 2015, toàn tỉnh có tới 1.132 trường hợp tảo hôn. Nhưng với sự vào cuộc chủ động của các tổ chức đoàn thể, cùng sự ủng hộ của nhân dân, nhiều mô hình phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết được triển khai. Nhờ đó, tư duy của người dân từng bước thay đổi, giúp ngăn ngừa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. |