Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nón Tày – Nét văn hoá không thể bị mai một

Thứ Tư, 17/11/2021 14:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Làm một chiếc nón phải mất từ 4 - 6 ngày. Lá cọ được chọn để làm nón phải là lá bánh tẻ, khi lấy lá về thì hơ qua lửa rồi đem ra phơi sương 2 - 3 đêm cho lá khô và phai hết màu xanh, lá càng trắng làm nón càng đẹp. Để làm được một chiếc nón lá của đồng bào dân tộc Tày ở Cao Bằng đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ. Tuy nhiên, nó lại là vật phẩm gần gũi với phụ nữ Tày từ bao đời nay và trở thành một nét văn hoá truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày. Ngày nay, nghề làm nón lá có nguy cơ bị mai một cần được bảo tồn và gìn giữ.

 Đan nón cần sự tỉ mỉ, khéo léo.

Vật trao duyên đôi lứa

Chiếc nón lá đã gắn liền với cuộc sống bao đời nay và trở thành một nét văn hoá truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày. Nón có vai trò quan trọng trong nghi lễ cưới hỏi của phụ nữ dân tộc Tày, ngoài các lễ vật như: Chăn, màn, chiếu… thì chiếc nón được cô dâu đem theo về nhà chồng với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng yêu thương chồng con. Bởi người Tày quan niệm, chiếc nón là vật để trao duyên của người con gái với người con trai, là ngụ ý muốn chăm sóc người con trai đến “đầu bạc, răng long”.

Theo bà Đinh Thị Tình (thôn Tân Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang) người luôn trăn trở về lưu giữ nón lá, chia sẻ: “Ngay khi còn bé tôi đã được mẹ chỉ cách đan nón lá, dặn tôi phải biết lưu giữ bản sắc dân tộc và khi lớn lên, lấy chồng tôi mang theo chiếc nón lá về nhà chồng. Chiếc nón với tôi đã trở thành kỷ vật không thể thiếu và nhắc tôi luôn nhớ lời dặn dò của mẹ, rằng đây là kỷ niệm do ông cha để lại, là một người con dân tộc Tày không thể để nón lá bị mai một, lãng quên mà phải giữ mãi cho con cháu đời sau”.

Bên cạnh là vật trao duyên, chiếc nón lá còn thể hiện sự khéo léo, duyên dáng của cô gái Tày. Bởi vậy, việc làm nón đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ ngay từ khâu chọn lá. Lá cọ được chọn làm nón phải là lá bánh tẻ, không được già quá cũng không được non quá, chọn kỹ như vậy để nón làm ra có độ dai và độ trắng cần thiết. Lá lấy về sẽ được hơ qua lửa và đem phơi sương 2-3 đêm cho lá khô và phai hết màu xanh, lá càng trắng làm ra nón càng đẹp. Trong các công đoạn làm nón Tày thì khâu chọn lá và làm phẳng lá yêu cầu cẩn thận, công phu chỉ sau việc đan nón. Khi hơ lá chỉ sơ xẩy một chút lá sẽ bị giòn, dễ rách.

Nón lá của người Tày có hai phần, phần ngoài được xếp khéo léo theo hình chóp từ 2-3 tàu lá khô. Phần bên trong là những sợi lạt nhỏ bằng tre được đan cầu kỳ thànhcác mắt hình lục giác đều. Đây là bước khó nhất trong công đoạn làm nón Tày, người đan cần khéo léo, càng đan được các mắt hình lục giác càng nhỏ bao nhiêu thì nón càng đẹp và bền bấy nhiêu. Sau đó, hai phần được ép chặt vào nhau bằng những vòng guột (hoặc tre) màu sậm và buộc chặt bằng lạt giang. Chiếc nón lá của đồng báo dân tộc Tày đặc biệt ở chỗ có hai vành nón, vành trong nhỏ hơn, nằm ở khoảng ba phần tư chiếc nón. Một chiếc nón đẹp là có khung ngoài được tạo dáng tròn, bè, các mắt đan đều nhau, lớp lá bên trong dàn đầy đặn, chắc chắn. Sau khi làm xong, những chiếc nón lá sẽ được tiếp tục hong khô trên gác bếp, để chống mối mọt, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước.

Nét văn hoá có nguy cơ bị mai một

Hơ lá làm nón Tày cần kỹ thuật không lá sẽ bị giòn, dễ rách.

Có lẽ bởi sự tỉ mỉ, kỳ công trong từng khâu chọn lá, hơ lửa, phơi sương, đan nón… mà chiếc nón lá của đồng bào dân tộc Tày ngày càng ít người biết làm, hiện nay chỉ còn những người cao tuổi yêu nghề, đam mê với nón lá và muốn giữ gìn văn hoá dân tộc nên cố bám trụ với nghề làm nón lá, mong muốn của họ không gì khác hơn là truyền lại cho con cháu kỹ thuật đan nón của tổ tiên.

Bà Ma Thị Lồng, dân tộc Tày, thôn Tân Thịnh, xã Tân An, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang không dấu sự lo lắng về nguy cơ mai một nghề đan nón lá. “Thôn Tân Thịnh có 100% là đồng bào dân tộc Tày sinh sống nhưng chỉ còn 2-3 người lớn tuổi giữ được nghề, không có người trẻ tuổi trong thôn biết đan nón, giờ chỉ cần có người chịu học tôi sẵn sàng dạy đan nón, để truyền lại cho cho thế hệ trẻ lưu gữ nghề truyền thống của cha ông” bà Lồng tâm sự.

Trước thực trạng nghề làm nón lá của đồng bào dân tộc Tày có nguy cơ bị mai một, Phòng Văn hoá, Thông tin huyện Chiêm Hoá đã xây dựng các phương án bảo tồn nghề làm nón lá của mình như: Chỉ đạo các xã, các thôn bản lên kế hoạch phục dựng các làng nghề truyền thống như thêu, dệt vải, đan lát, đặc biệt là nghề đan nón lá của người Tày.

Bài, ảnh: Đức Sung

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN