Nỗi niềm sinh viên đi thuê phòng trọ đầu năm học
(ĐCSVN) - Đầu năm học mới cũng là thời điểm có hàng vạn tân sinh viên đổ về các thành phố lớn để nhập học. Tuy đã rất cố gắng song hệ thống ký túc xá của các trường cao đẳng, đại học cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu chỗ ở của sinh viên.
Vất vả tìm phòng trọ
Thời điểm này, cùng với việc thực hiện thủ tục nhập học, các tân sinh viên cũng bắt đầu tìm thuê phòng trọ để phục vụ cho thời gian đèn sách. Ngoài số ít bạn có điều kiện ở nhà người thân hoặc ở cùng anh chị học trước thì phần lớn các bạn sinh viên năm đầu đều phải tự tìm phòng trọ.
Tại các khu vực trung tâm Hà Nội, nơi có nhiều trường cao đẳng, đại học như: Bách Khoa, Thuỷ Lợi, Công Đoàn, Kiến Trúc, Khoa học Xã hội & Nhân văn, Ngoại Thương, Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc Gia... thì nhu cầu về phòng trọ của sinh viên lại càng “nóng” hơn. Do đó, để tìm được phòng trọ bảo đảm các yêu cầu “gần trường, sạch sẽ, giá thuê vừa phải” là một việc không hề đơn giản với các bạn tân sinh viên.
Theo khảo sát của phóng viên, giá phòng trọ dành cho sinh viên năm nay đã được các chủ nhà trọ điều chỉnh tăng lên so với năm trước. Tại một số khu vực trung tâm, tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học như: Quận Đống Đa, quận Cầu Giấy..., để có thể thuê được một phòng trọ có diện tích từ 15 - 17 m2, người thuê phải bỏ ra không dưới 2 triệu đồng/tháng. Đối với những khu trọ được thiết kế theo kiểu chung cư mini có phòng khép kín thì giá thuê có thể lên tới 2,5 - 2,7 triệu đồng. Tại những khu vực khác như: Quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm..., giá thuê có rẻ hơn chút ít. Còn ở những khu trọ ở ngoại thành như: Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh thì giá rẻ hơn hẳn, chỉ 500 - 700 nghìn đồng/tháng nhưng bù lại, các bạn sinh viên sẽ phải ở xa trường, đi lại vất vả hơn.
Ngoài tiền thuê trọ, các bạn sinh viên còn phải thanh toán nhiều khoản tiền khác như: Tiền để xe, tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh, tiền an ninh... với số tiền lên tới vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Thậm chí, nhiều chủ còn thường xuyên tăng “khống” giá điện nước để hưởng chênh lệch. Giá điện chung của các khu trọ ở khu vực nội thành Hà Nội hiện nay thường được chủ nhà thu với mức từ 3.500 - 4.500 đồng/kW; giá nước bình quân từ 30 - 35 nghìn đồng/m3... Biết là đắt nhưng các bạn sinh viên không còn sự lựa chọn nào khác vì đó là “giá chung”.
Bạn Bùi Thị Thu, tân sinh viên Học viện Ngân hàng quê ở Tân Lạc (Hoà Bình) chia sẻ: “Mình ở miền núi, xuống Hà Nội học thấy cái gì cũng đắt đỏ, nhất là tiền thuê trọ. Căn phòng mình thuê chỉ là một căn gác sát mái tôn oi bức, có giá 1,5 triệu đồng/tháng, chưa tính điện, nước, wifi, gửi xe… Dù sao ở đây cũng tiện, an ninh tốt. Mà thời điểm này có muốn tìm chỗ trọ khác phù hợp hơn cũng khó lắm!”.
Một giải pháp mà nhiều bạn sinh viên lựa chọn, đó là ở ghép để giảm bớt chi phí tiền phòng. Tuy nhiên, việc ở ghép từ 2 -3 người/phòng cũng không đơn giản bởi còn liên quan đến thói quen, tính cách, giờ giấc sinh hoạt, đi lại... của từng thành viên.
Sinh viên Nguyễn Lê Hoàng (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Chủ động lên trước mấy ngày nhưng đến ngày nhập học mình vẫn không thể thuê được phòng trọ nên đành phải xin ở ghép cùng 2 anh công nhân cùng quê trong một căn phòng khoảng 18 m2, với chi phí 800 nghìn/người/tháng. Bây giờ có chỗ ở là tốt rồi, ở tạm thời gian đầu rồi mình sẽ tìm phòng trọ phù hợp sau”.
Đối với những sinh viên trúng tuyển nguyện vọng 2 tại các trường cao đẳng, đại học, vì lịch nhập học muộn hơn nên việc tìm phòng trọ lại càng thêm phần khó khăn. Nhiều khi chủ phòng trọ còn cố tình đẩy giá phòng lên cao vì nắm được nhu cầu của sinh viên.
Cảnh giác với “cò” phòng trọ
Đã thành thông lệ, khi nhu cầu về phòng trọ đầu năm học tăng cao cũng đồng thời là cơ hội làm ăn của đội quân “cò” phòng trọ, nhất là ở các khu vực tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học. Lợi dụng việc tân sinh viên đi thuê phòng hầu hết là những bạn lần đầu tiên xa nhà, còn nhiều bỡ ngỡ nên nhiều “cò” phòng trọ đã dùng mọi cách dẫn dụ, chèn ép, lừa đảo để trục lợi. Các “cò” phòng trọ thường tập trung ngay ở cổng của các trường đại học hoặc đưa thông tin về phòng trọ cho thuê lên mạng Internet sau đó đứng ra làm trung gian giữa chủ nhà trọ và sinh viên với danh nghĩa là “Văn phòng giao dịch nhà đất”, “Trung tâm môi giới bất động sản”, “Trung tâm hỗ trợ thông tin nhà trọ”...
Thủ đoạn quen thuộc của các “cò” là quảng cáo rất hay về phòng trọ như: "Phòng đẹp, đầy đủ đồ dùng, giá cả phải chăng, điện nước theo hoá đơn, an ninh tốt...”, sau đó yêu cầu sinh viên ký hợp đồng và nộp tiền môi giới. Tuy nhiên, thực tế phòng trọ cơ bản lại không được như “cò” quảng cáo. Nếu không muốn thuê thì tiền môi giới đã nộp coi như là tiền để được cung cấp “thông tin phòng trọ”. Trường hợp sinh viên đồng ý thuê thì “cò” còn được hưởng thêm khoản tiền hoa hồng của các chủ nhà trọ.
Theo tìm hiểu, hiện nay, một số “cò” còn bỏ tiền ra thuê vài phòng trọ hoặc thuê cả khu nhà trọ, sau đó cho sinh viên thuê lại với giá cao hơn gấp nhiều lần. Những phòng như thế này, hầu hết khi sinh viên đều phải đặt tiền cọc từ 1 - 2 triệu đồng và nộp trước 2 - 3 tháng tiền phòng. Quá trình ở, các bạn sinh viên cũng gặp khá nhiều khó khăn, nhất là khi chủ trọ tự ý tăng giá các dịch vụ như điện, nước, vệ sinh…
Bạn Trần Thu Thảo, sinh viên năm thứ 2 Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Năm ngoái lúc mới nhập học, mình cũng đã 2 lần nhờ “cò” dẫn đi tìm phòng trọ; phòng không thuê được nhưng vẫn mất tiền phí môi giới. Biết là bị bắt chẹt nhưng không làm sao khác được”.
Thực tế, để có điều kiện học tập tốt, đòi hỏi mỗi sinh viên cần tìm cho mình một chỗ ở ổn định, thuận tiện, phù hợp. Để tránh bị “cò” phòng trọ dẫn dụ, lừa đảo, các bạn tân sinh viên cần cẩn thận khi tìm và thuê phòng trọ. Cần chú ý xác minh chính xác chủ cho thuê, tránh bị đối tượng trung gian lừa mất tiền oan. Trước khi quyết định thuê phòng trọ cần chú ý đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng mà chủ nhà đưa ra, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc... Ngoài tiền phòng trọ hàng tháng, cần xem xét kỹ các thông tin về giá điện, nước và các dịch vụ phát sinh khác... Đồng thời, các bạn tân sinh viên cũng nên tìm kiếm thông tin về nhà trọ tại các kênh thông tin có uy tín hoặc nhờ sự hỗ trợ của Hội Sinh viên các trường sau khi nhập học./.