Nỗi lo cháy nổ ở nông thôn
(ĐCSVN) - Mặc dù công tác phòng chống cháy nổ các vùng đô thị luôn được chú trọng, quan tâm đúng mức nhưng các vụ cháy nổ vẫn xảy ra gây nhiều thiệt hại, thương vong. Còn với các vùng nông thôn, tình trạng phòng chống cháy nổ hiện nay vẫn còn đặt ra nhiều nỗi lo…
Ở bất kì một khu đô thị nào, mỗi khi hỏa hoạn xảy ra đều có lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ, và lực lượng lưu động tăng cường chữa cháy, đã góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu các thiệt hại, rủi ro về người và tài sản. Cạnh đó cũng có những vụ hỏa hoạn lớn, ngoài tầm kiểm soát đã gây ra thiệt hại lớn.
Với vùng nông thôn, sự gia tăng của các cơ sở ngành nghề nông thôn những năm gần đây đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, hiện còn nhiều cơ sở hoạt động một cách tự phát nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Chúng tôi đã có những lần thực tế về hiện trạng này. Ở xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ hiện nay nghề bóc ván gỗ ép rất phát triển, trong vùng có hàng trăm nhà xưởng. Tuy nhiên việc phòng chống cháy nổ dường như còn quá sơ sài, có những nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông nhưng chỉ có vài ba bình cứu hỏa. Trong khi đó, hàng thành phẩm đạt chuẩn là gỗ ép đã bóc mỏng và gần như khô kiệt tuyệt đối, chỉ một mồi lửa bén vào, hậu quả thật khó lường.
Hay ở thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, Hà Nam, nơi đây vào ngày 26/7/2018 từng xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng giữa đêm thiêu rụi toàn bộ 1 căn nhà 3 tầng cùng một số lượng lớn xe máy điện, 4 người thoát chết trong gang tấc.
Nếu đi dọc quốc lộ 21B ở thị trấn nhỏ vùng nông thôn này, chúng ta sẽ thấy vô số cửa hàng từ các hàng dễ cháy như chăn ga gối đệm cho đến cửa hàng bán tạp hóa, đồ gia dụng, bếp gaz và khí gaz…đều chung tình trạng thiếu quan tâm đến việc phòng cháy nổ. Đa số các cửa hàng không có trang bị bình chữa cháy, hàng hóa được xếp lộn xộn, chồng chất. Vì vậy nếu xảy ra sự cố thì sẽ khó tránh khỏi thiệt hại.
Còn tại làng nghề giấy Phong Khê (Bắc Ninh), nguyên liệu đầu ra đầu vào của việc sản xuất làng nghề là giấy. Do đó từ giấy vụn cho đến giấy thành phẩm đều được chất đống ngồn ngộn trong các nhà xưởng nhỏ và vừa, trong nhà dân, nhiều gia đình còn chất đống cả ra đường, ra ngõ. Bởi đặc thù là khu làng nghề thủ công, nên việc bố trí quy củ về quy mô mặt bằng sản xuất khó khăn, do đó nguy cơ cháy nổ luôn là mối lo tiềm ẩn tại nơi đây.
Có thể thấy, việc phát triển các cơ sở nghề ở vùng nông thôn hiện nay đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Nhưng cùng với đó cũng đang đặt ra nhiều hệ lụy, trong đó có an toàn cháy nổ. Cùng với đó, việc phát triển mang tính tự phát của không ít các làng nghề cùng với mục tiêu tăng lợi nhuận nên các chủ hộ sản xuất, doanh nghiệp thường ít chú ý đầu tư cải thiện môi trường làm việc, đặc biệt là công tác phòng chống cháy nổ.
Các vụ cháy tại khu dân cư, hộ gia đình, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh ở vùng nông thôn thường gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, hệ lụy của những vụ cháy cũng kéo dài, khó phục hồi. Do đó, công tác phòng ngừa cháy nổ ở vùng nông thôn, trong các khu dân cư đang trở nên ngày càng bức thiết và cần nhận được sự quan tâm đúng mức hơn của các cấp, các ngành địa phương và đặc biệt là ý thức của người dân. Thực trạng đáng báo động là vậy, song thực tế công tác phòng cháy, chữa cháy đối với khu vực này đang bộc lộ rất nhiều khó khăn, bất cập.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, tình hình cháy nổ ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao về cả số vụ (trên 50%) và thiệt hại về người, tài sản là 83%. Các vụ cháy nhỏ ở khu dân cư lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người.
Về nguyên nhân chủ yếu do sự cố chập điện, một bộ phận người dân còn chủ quan với nguy cơ cháy nổ, hoặc địa điểm xảy ra hỏa hoạn ở vùng hẻo lánh, dân cư thiếu tập trung và không đầy đủ về phương tiện phòng cháy chữa cháy, do vậy khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng chức năng triển khai phương tiện chữa cháy đến nơi thường muộn, hoặc mọi thứ đã bị thiêu rụi hoàn toàn.
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì các vụ cháy nổ xảy ra hầu như đến từ sự cố về điện, chiếm trên 50% nguyên nhân xảy ra sự cố. Thực tế các vụ cháy phát sinh từ chạm, chập điện đa phần do nguyên nhân chủ quan của người sử dụng điện, xây lắp điện trong nội bộ một cơ sở, nhà ở và việc này nằm ngoài phạm vi quản lý, kiểm soát của ngành điện. Đặc biệt ở vùng nông thôn, các hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho tàng xen kẽ khu dân cư chưa kiểm soát chất lượng thiết bị điện, câu móc điện, kéo điện bằng dây dẫn không đúng tiêu chuẩn dẫn đến phát nhiệt, quá tải gây chập...
Trước nguy cơ cháy nổ cao từ các cơ sở ngành nghề cũng như khu vực nông thôn, thiết nghĩ các cơ quan chức năng ở địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho chủ các cơ sở sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở này để kịp thời phát hiện, nhắc nhở những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định, phòng ngừa cháy nổ vì quyền lợi của gia đình và cộng đồng. Cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức về an toàn phòng cháy chữa cháy, thường xuyên kiểm tra và vệ sinh các thiết bị sử dụng điện. Mọi người không nên để hàng hóa, chất dễ cháy gần nguồn nhiệt, thiết bị sử dụng điện. Các hộ dân cũng nên tự trang bị cho gia đình mình các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hoả để chủ động phòng cháy chữa cháy ban đầu một cách hiệu quả khi xảy ra sự cố hỏa hoạn./.