Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nói không với “kênh giá” trên thị trường ô tô, xe máy

Thứ Tư, 27/04/2022 15:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - “Bia kèm lạc", chênh giá, kênh giá… là những cụm từ được nhắc tới nhiều trên thị trường xe máy, ô tô trong nước thời gian qua. Tài chính sẵn trong túi, thậm chí đi vay một chút cũng không sao, quyết định mua hay không mua đương nhiên là quyền của cá nhân.

Ngành công nghiệp ô tô, xe máy (kể cả nhập khẩu và lắp ráp trong nước) ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài, do tình trạng thiếu nhân lực, sụt giảm nguồn cung linh phụ kiện… dẫn tới hiện tượng “khan hàng” tại nhiều đại lý.

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nhiều để nói ở đây nếu nhà phân phối minh bạch về nguồn cung, thông báo bằng văn bản thời gian có xe để giao, và quan trọng nhất là bán đúng giá đề xuất của hãng. Thực tế, nếu khách muốn sở hữu phương tiện càng sớm càng tốt, trên thị trường đã xuất hiện không ít đại lý sử dụng chiêu trò bán xe kênh giá, chênh lệch một khoản tiền lớn so với hợp đồng mua bán hoặc kèm theo gói phụ kiện giá trên trời, và quan trọng là khách chẳng có nhu cầu.

Với ô tô, những mẫu xe nhập khẩu được nhiều người quan tâm như Ford Explorer, Hyundai Creta hay Toyota Veloz Cross đang được chào bán tại các đại lý với giá chênh từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Anh Đặng Trường Giang, Giám đốc một công ty chuyên về cơ khí chính xác sống tại Hà Nội chia sẻ đang tham khảo mua xe thương hiệu đến từ Mỹ thì tư vấn nói cuối tháng 5 hàng sẽ về nhưng muốn sở hữu xe vào thời điểm này phải mua thêm gói phụ kiện trị giá 50 triệu đồng và không được chọn màu.

“Thật lạ, từ bao giờ khách hàng lại không có toàn quyền quyết định mình được mua cái gì. Do đó, mình đã tìm hiểu một hãng xe khác, khi so sánh mức giá bán lẻ ngang bằng với giá đề xuất, mình đã quyết định mua luôn", anh Giang nói.

 Mẫu xe Honda Vision phiên bản đặc biệt được một đại lý báo giá 42 triệu đồng/chiếc, cao hơn khoảng 10 triệu đồng so với giá niêm yết. (Ảnh: Vietnam+)

Tại nhiều đại lý xe máy, mẫu xe Honda Vision rơi vào tình trạng không sẵn xe, không đủ màu và phiên bản. Mức giá mà tư vấn bán hàng tại một đại lý ủy quyền HONDA ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đang cao hơn đề xuất từ nhà sản xuất khoảng 10 triệu đồng. Theo công bố của hãng Nhật, phiên bản Vision đặc biệt có giá đề xuất từ 33,28 triệu đồng. Thêm các chi phí ra biển số tại Hà Nội, người dùng có thể phải chi khoảng 46 triệu đồng cho mẫu xe tay ga phổ thông này. Giá xe đội lên cao do nguồn cung hạn chế, theo lý giải của hầu hết các đại lý.

Hãy là người tiêu dùng thông thái bằng cách cùng nhau lên tiếng, nói rõ một điều rằng chấp nhận mua xe kèm lạc là đang tiếp tay cho những hành vi đầu cơ, găm hàng trên thị trường, thậm chí trốn thuế.

Hãy dùng đặc quyền của khách hàng để có hành xử “thích đáng” những đại lý kinh doanh chộp giật và thoải mái chọn lựa mua xe tại các cơ sở có dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi tốt. Thậm chí, nếu thấy phù hợp, mua một chiếc xe đã qua sử dụng (xe lướt) cũng là phương án khả thi. Đâu cứ phải là xe mới để phải đau đầu trong “ma trận” giá cả và phụ kiện như trên.

Bên cạnh đó, các “thượng đế” đang rất hy vọng sự vào cuộc nhanh chóng từ cơ quan chức năng, giúp tạo nên sự công bằng, minh bạch trong việc mua bán. Và đương nhiên, nếu các nhà sản xuất không thể thực sự kiểm soát các đại lý bán lẻ, uy tín cũng như hình ảnh của họ ít nhiều sẽ bị suy giảm.

Rõ ràng, khi thị trường xe mới đang “nóng” thì người tiêu dùng càng cần phải có cái đầu “lạnh”./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN