Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nỗ lực “vượt dịch”

Chủ Nhật, 12/12/2021 08:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Năm 2021 đang dần khép lại, kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến nay đang được coi là “gam màu sáng” của bức tranh kinh tế vốn chịu nhiều tác động của dịch COVID-19.

Con số gần 26,5 tỷ USD vốn FDI trong 11 tháng đầu năm 2021 không chỉ cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam mà còn là thành quả quá trình nỗ lực “vượt dịch” của Chính phủ và của từng địa phương trong cả nước.

Cụ thể, dù ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 nhưng lượng vốn FDI vào Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng. Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/11/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài - FDI) đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng 3,76%; vốn tăng thêm tăng 26,7% so với cùng kỳ... Trong 11 tháng đầu năm, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Nổi bật là các nước như: Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Các lĩnh vực thu hút vốn FDI nhiều nhất bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện; kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ...

Thực tế, khi Chính phủ và một số tỉnh, thành áp dụng những biện pháp kiên quyết để đẩy lùi đợt dịch thứ 4, không ít chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về viễn cảnh dòng vốn FDI sẽ dịch chuyển khỏi Việt Nam. Song, những gì diễn ra đến nay cho thấy, Việt Nam vẫn tiếp tục là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Dù đại dịch COVID-19, nhất là các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, tác động nhất định đến sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài, song những kết quả khả quan về dòng vốn FDI trong thời gian gần đây vẫn cho thấy tín hiệu lạc quan. Đặc biệt, với kết quả thu hút FDI tích cực, năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam đã được Hội nghị của Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Đây chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 và cải thiện môi trường đầu tư.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch COVID-19 bùng phát đồng thời cũng đã tạo sức ép để chúng ta hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thúc đẩy, thực hiện Chính phủ điện tử, tiếp tục theo hướng là hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các bộ, ngành có liên quan đẩy mạnh việc rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh để loại bỏ hoặc điều chỉnh những quy định không còn phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường... Kết quả là đến nay, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục được giữ vững. Đây là tín hiệu tích cực, rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, việc đi lại, tìm hiểu thị trường, thảo thuận, đàm phán... của các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2021. (Ảnh minh họa).

Có thể thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã khẳng định sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư trong nước. Bỏ qua những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, đến nay, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam vẫn chứa đựng những “lợi thế” giúp chúng ta giữ chân được doanh nghiệp nước ngoài. Đó là nền chính trị ổn định; chính sách thu hút FDI ngày càng được cải thiện; các hiệp định FDI cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu được linh kiện rẻ hơn, tiếp cận thị trường xuất khẩu tốt hơn. Lao động giá rẻ và năng xuất lao động đang được nâng lên, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và thủ tục hành chính được đẩy mạnh cải cách theo hướng đơn giản hóa... Chính các yếu tố nói trên đã giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn được những tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Foxconn, Nike, Adidas, Gap và Levis lựa chọn.

FDI là nguồn vốn rất quan trọng của nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có những tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội, việc đẩy mạnh thu hút FDI đang là đòi hỏi cấp bách nhằm tăng cường các nguồn lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển. Theo đó, cùng với việc tăng cường nỗ lực sớm kiểm soát dịch bệnh, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tái cấu trúc nền kinh tế; chú trọng liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; tạo thuận lợi để mở rộng mạng lưới của doanh nghiệp FDI ở trong nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Về lâu dài, để dòng vốn FDI thực sự phát huy hiệu quả, cần đẩy mạnh thu hút những dự án FDI lớn thuộc các lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, Big Data, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển… Đồng thời, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Mặt khác, dịch COVID-19 có quy mô tính chất toàn cầu và không ngừng diễn biến phức tạp. Vì vậy, Chính phủ, bộ, ban ngành và địa phương cần đồng hành chia sẻ, lắng nghe doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh; các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động trong ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tới mức tối đa các thủ tục hành chính, thời gian và chi phí tiếp cận, chi phí thực thi các quy định pháp lý và luật pháp, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thu hút gần 26,5 tỷ USD vốn FDI trong 11 tháng đầu năm 2021, đây có thể coi là một con số “ấn tượng” trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang sụt giảm và có nhiều điều chỉnh do tác động từ đại dịch COVID-19. Dòng vốn FDI được giữ vững và gia tăng còn là động lực quan trọng để Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu “kép”, vừa khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả./.

TL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN