Nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19
(ĐCSVN) - Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 được coi là giải pháp căn bản trong chiến lược ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 tại nước ta. Đặc biệt, việc tiêm vaccine đã và đang được mở rộng sang nhóm trẻ em dưới 18 tuổi, qua đó khẳng định quyết tâm, nỗ lực lớn của Việt Nam trong “cuộc chiến” chống lại dịch COVID-19...
Theo thông tin của Bộ Y tế, đến chiều ngày 17/11, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 102 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tỷ lệ tiêm ít nhất 01 liều vaccine là khoảng 88% và tiêm đủ 2 liều là 50% dân số từ 18 tuổi trở lên. Một số địa phương có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine đạt trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Hậu Giang. Chỉ tính từ ngày 10/11 đến nay, đã có hơn 8 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân cả nước.
Thực tế cho thấy, tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 được đẩy mạnh là kết quả những cố gắng của cả hệ thống chính trị và các lực lượng liên quan, trực tiếp là ngành Y tế trong việc tăng cường nguồn cung vaccine, cũng như đẩy nhanh tiêm vaccine trên diện rộng.
Học sinh thành phố Hồ Chí Minh tiêm vaccine phòng COVID-19 vào cuối tháng 10/2201. (Ảnh: NT). |
Đặc biệt, với nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 và quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp cùng các địa phương triển khai thực hiện mở rộng tiêm vaccine đối với nhóm trẻ em dưới 18 tuổi. Dư luận cho rằng, chủ trương này là hết sức phù hợp, kịp thời. Bởi tính đến nay, trên thế giới đã có gần 40 quốc gia triển khai tiêm loại vaccine Pfizer cho trẻ dưới 18 tuổi, trong đó có 19 nước châu Âu, 6 nước ở châu Mỹ và một số nước ở khu châu Á. Theo đó, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Cụ thể, tiêm theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương. Theo thống kê, cả nước hiện có 8,1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi. Bộ Y tế đặt mục tiêu phấn đấu trong quý IV sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho 95% trẻ trong lứa tuổi này. Để trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19, cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu.
Trao đổi về chủ trương tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ, hiện Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng 2 vaccine COVID-19 tiêm phòng cho trẻ là vắc xin Pfizer và Moderna. Vaccine tiêm cho trẻ em ở nước ta đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo dùng, được sử dụng tiêm ở nhiều quốc gia khác nhau. Do đó các bậc phụ huynh nên yên tâm đưa con em mình đi tiêm chủng để phòng ngừa COVID-19.
Là một địa phương có tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em khá nhanh, mới đây, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Sở Giáo dục - Đào tạo, theo đó, đợt 2 tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi sẽ thực hiện từ ngày 22/11 đến ngày 28/11. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện tiêm mũi 2 cho tất cả trẻ từ 12 đến 17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đủ thời gian, kể cả trẻ đã được tiêm mũi 1 tại các tỉnh, thành phố khác.
Học sinh ở Bình Dương tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: PT). |
Tương tự tại tỉnh Đồng Nai, đến ngày 13/11, địa phương này đã hoàn thành đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cho trẻ từ 15 - 17 tuổi, với hơn 97.000 lượt em được tiêm. Dự kiến, Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai tiêm đợt 2 ngay khi được phân bổ vaccine.
Được biết, tại các địa phương, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em đang được thực hiện với quy trình như tiêm cho người lớn. Mục tiêu quan trọng hàng đầu là bảo đảm an toàn cho trẻ được tiêm vaccine, giảm thiểu tối đa những sự cố đáng tiếc. Ngành Y tế đã thực hiện khám sàng lọc để xác định các trường hợp chống chỉ định. Đến thời điểm này, chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về phản ứng nặng xảy ra với trẻ dưới 18 tuổi sau tiêm vaccine phòng COVID-19 từ các địa phương đã và đang tổ chức tiêm chủng. Trưởng văn phòng Tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, TS.BS Phạm Quang Thái cho biết, tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp tối ưu nhất với trẻ em, mặc dù chúng ta còn cần có thêm thời gian đánh giá trong việc triển khai tiêm vaccine này với trẻ em Việt Nam như thế nào.
Có thể thấy, trong khi các lĩnh vực kinh tế xã hội đang dần mở cửa trở lại để hướng đến mục tiêu “sống chung an toàn với COVID-19”, việc bao phủ vaccine là điều kiện cần thiết. Cùng với tăng tốc chiến dịch tiêm chủng cho người trưởng thành và thúc đẩy tiêm mũi tăng cường, việc triển khai tiêm vaccine cho nhóm trẻ em dưới 18 tuổi là một phần quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế phải chịu nhiều ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, nguồn cung vaccine khan hiếm... việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 nói chung, tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi đã thể hiện rõ quyết tâm lớn của Đảng, Chính phủ và các lực lượng liên quan trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19. Đồng thời, đây cũng là chìa khóa quan trọng, giải pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống đại dịch COVID-19, là “vũ khí “tiên quyết để có thể sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới./.