Nỗ lực để làng nghề mây tre đan vươn xa
(ĐCSVN) - Gắn bó đến nay đã hơn 27 năm, chị Trương Thị Bạch Thủy mong muốn nghề đan lát thủ công sẽ được giữ gìn, vừa để phát huy giá trị văn hóa cổ truyền của cha ông, vừa tạo công ăn việc làm cho phụ nữ dân tộc Khmer tại địa phương.
Nhận thấy dù Sóc Trăng có nguồn nhân lực dồi dào, có tay nghề cao trong lĩnh vực đan lát thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên người dân địa phương mới chỉ dừng lại ở mức độ đan lát theo yêu cầu của chủ cơ sở sản xuất chứ không chú trọng kinh doanh và phát triển làng nghề từ đó, Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết (xã Phú Tân, huyện Châu Thành) được thành lập và xây dựng chuỗi liên kết thu mua tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho bà con trong vùng.
Chị Trương Thị Bạch Thủy (ngoài cùng bên trái) cùng xã viên Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết |
Với lợi thế có nhiều thợ giỏi, Hợp tác xã đã phát triển và ứng dụng cây tre vào xây dựng các công trình kiến trúc nhằm phát huy giá trị và bản sắc văn hóa con người Việt Nam, qua đó giải quyết việc làm ổn định cho trên 100 xã viên và hội viên phụ nữ trong số này, đa số các chị là người dân tộc Khmer có hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Quyết định đúng đắn này đã góp phần khôi phục, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống của địa phương, vừa nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bản địa, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở mức bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
"Là người con đời thứ ba theo nghề cho đến nay đã hơn 27 năm, để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là điều mà những người con như chúng tôi ai cũng mong muốn. Tuy nhiên để thực hiện thì không phải là chuyện dễ dàng. Bản thân tôi đã từng bước chuyển từ việc thu mua sản phẩm cho bà con trong làng nghề sang việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm khắp nơi để rồi hướng dẫn, gợi mở và trực tiếp chỉ dạy cách thức làm ra sản phẩm thiên về du lịch, trang trí, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế trong sản phẩm mà bà con có thêm công ăn việc làm, từ đó tăng thu nhập, nâng cao đời sống, khẳng định vai trò trong gia đình và xã hội", chị Thủy chia sẻ.
Mong muốn và những việc làm của chị Thủy đã hoàn toàn thuyết phục được các thành viên Ban giám khảo để dự án khôi phục làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống vượt qua nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp khác để lọt vào vòng chung kết cấp vùng giành giải Đặc biệt rồi giải Nhất chung kết toàn quốc cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023.
"Giải thưởng là nguồn cổ vũ mạnh mẽ, tiếp thêm động lực cho tôi. Để giành được giải cao, dự án của tôi đều đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của Ban tổ chức, Ban giám khảo như: tập thể - hợp tác xã do phụ nữ làm chủ; sản phẩm mang tính chất truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, có tính lưu truyền kế thừa qua nhiều thế hệ; rồi dự án phải giải quyết công ăn việc làm cho lao động, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương và các vùng lân cận; sản phẩm đạt OCOP 3 sao, đã xuất khẩu 5 nước châu Âu và thân thiện, bảo vệ môi trường", chị Bạch Thủy nói.
Điều đáng mừng là sau khi cuộc thi kết thúc, Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết được nhiều người biết tới hơn, có nhiều đơn hàng hơn. Bản thân chị em Hợp tác xã cũng được các cấp Hội Phụ nữ tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, nắm bắt thị hiếu người dùng rồi hỗ trợ bán hàng trên sàn thương mại điện tử cũng như kết nối, giới thiệu với các kênh truyền thông uy tín để quảng bá và giới thiệu sản phẩm.
Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết ngày càng đón nhiều đoàn khách đến trải nghiệm, tham quan. |
Hiện tại, Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết có trên 700 sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Ngoài sản xuất các mặt hàng tiêu dùng truyền thống như rổ, rá, mê bồ, nơm, lồng bàn, nôi, bàn ghế…, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống với phiên bản thu nhỏ dùng để trang trí rất được khách hàng ưa chuộng, có mặt tại thị trường châu Âu.
Nhờ đó, chị Thủy đã mạnh dạn mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh khi quyết định mở thêm các lớp trải nghiệm nghề mây tre đan truyền thống, tiến tới là phát triển du lịch cộng đồng quảng bá du lịch trên mảnh đất Sóc Trăng để du khách tham quan dành nhiều thời gian trải nghiệm làng nghề mây tre đan truyền thống, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
"Mỗi ngày trôi qua là một cơ hội để Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết đặt thêm một dấu ấn sáng tạo vào từng sản phẩm. Với đôi bàn tay khéo léo và khối óc luôn không ngừng nghĩ suy, chúng tôi tin rằng, chỉ khi sản phẩm thủ công được thổi hồn bằng sự đổi mới và cập nhật xu hướng thì làng nghề mây tre đan mới có thể bước xa hơn, vững vàng hơn để mỗi sản phẩm không chỉ là vật dụng trang trí mà còn là minh chứng cho tinh thần lao động kiên cường và sáng tạo bền bỉ của các nghệ nhân, các chị em phụ nữ", chị Thủy bày tỏ./.