Niềm vui lớn những ngày đầu năm
(ĐCSVN) - Xuân Nhâm Dần đã về trong niềm vui lớn đối với người dân thôn Má Là, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang khi được sử dụng điện lưới quốc gia. Ánh điện mang theo những cơ hội, hy vọng mới về sự phát triển sản xuất, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân địa phương…
Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Xác định rõ tầm quan trọng của việc đưa dòng điện lưới đến các địa bàn trong tỉnh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Giang đã quan tâm huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển lưới điện tại các khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, vừa góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống, vừa là cơ sở để tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa điện lưới quốc gia về các thôn bản xa xôi. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, đã có hàng chục nghìn người dân được tiếp cận điện lưới quốc gia với tổng mức đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Có điện, gia đình ông Ly Mí Quân, thôn Má Là, xã Lũng Táo (Đồng Văn) mua máy xay ngô phục vụ chăn nuôi. (Ảnh: My Ly). |
Thôn Má Là, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn là một trong những nơi vừa được hòa lưới điện quốc gia. Là một trong 3 thôn giáp biên của xã Lũng Táo, cuộc sống của người dân ở thôn Mã Là vốn còn nhiều khó khăn. Điện về thôn, đời sống của 64 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu đã có sự đổi thay rõ rệt. Không chỉ mang theo ánh sáng văn hóa, thông tin thời sự được cập nhật tốt hơn, người dân còn có thể học hỏi các phương pháp sản xuất, canh tác mới để thay đổi tư duy, tập quán sản xuất.
Anh Ly Mí Hoàng, một người dân ở thôn Má Là cho biết: "Trước đây không có điện, mọi người trong thôn chủ yếu sử dụng đèn dầu, bếp củi. Một số hộ cũng tự kéo điện về nhưng chỉ đủ thắp sáng, đường dây, cột điện không an toàn vào mỗi mùa mưa bão. Bà con ai cũng ước mơ có điện lưới sẽ kéo về tận từng nhà. Từ ngày có điện, mọi người mừng lắm, cuộc sống như bước sang trang mới. Bọn trẻ trong thôn học bài buổi tối cũng đỡ vất vả hơn…".
Thực tế cho thấy, không chỉ riêng ở xã Lũng Táo, việc hòa lưới điện quốc gia đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời cũng giúp người dân biết áp dụng máy móc vào sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và tỉnh Hà Giang, việc đưa điện lưới quốc gia về các vùng đã trực tiếp góp phần phát triển kinh tế xã hội ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.
Đưa điện về bản ở Hà Giang (Ảnh: Minh Thành). |
Được biết, để góp phần tạo lên niềm vui hòa lưới điện quốc gia của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, có sự đóng góp không nhỏ của tập thể cán bộ, nhân viên Công ty Điện lực Hà Giang (PC Hà Giang). Những người đã trực tiếp vượt qua khó khăn về điều kiện địa hình, thách thức, trở ngại về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để đưa “nguồn ánh sáng" đến với đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đến nay, PC Hà Giang đang quản lý, vận hành trên 1.590 trạm biến áp các loại, bảo đảm phục vụ cho hơn 172 nghìn lượt khách hàng. Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 94,4% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện (87,5% từ điện lưới quốc gia). Những hộ dân được cấp điện lưới quốc gia trong những năm gần đây chủ yếu là thuộc khu vực các xã, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh. Điện lưới về với các thôn, bản đã không chỉ mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho người dân mà còn mở ra nhiều cơ hội để đời sống của bà con ngày càng phát triển, no ấm.
Theo đồng chí Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, đưa điện lưới quốc gia về vùng sâu vùng xa, vùng biên giới đặc biệt khó khăn là chủ trương lớn, mang nhiều ý nghĩa của Đảng, Nhà nước. Những đổi thay tích cực trên mảnh đất Hà Giang nhiều năm trở lại đây là nhờ địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó có việc nỗ lực đưa điện về thắp sáng các thôn, bản biên giới khó khăn. Điện lưới quốc gia thắp sáng mỗi ngôi nhà, xóm ngõ và cũng thắp lên niềm tin, khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, giúp mọi người có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại, tiên tiến, học hỏi thêm được nhiều kiến thức, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, từ đó góp phần xây dựng quê hương Hà Giang ngày thêm tươi sáng./.