Niềm vui được mùa ruốc đầu năm
(ĐCSVN) – Những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi này, từ tờ mờ sáng, không khí tại các bãi ngang ven biển Đà Nẵng đã rộn ràng, tấp nập người mua và bán ruốc (tép). Theo các ngư dân, năm nay vùng biển Đà Nẵng được mùa ruốc. Nhờ trúng mùa mà bà con có thêm khoản thu nhập đầu năm nên mọi người rất phấn khởi.
Thành quả của một đêm lao động
Mới hơn 5h sáng mà toàn bộ số ruốc tươi đánh bắt được trong đêm của ngư dân Nguyễn Hoà (làng cá Thọ Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đã bán hết.
Phấn khởi khi cầm trên tay số tiền gần 10 triệu đồng từ việc bán ruốc, ngư dân Nguyễn Hoà cho biết: Chuyến biển của ông bắt đầu từ 5h chiều hôm trước. Đến khoảng 3h sáng, thuyền của ông thu lưới và đưa các thùng đựng ruốc- sản phẩm của một đêm miệt mài lao động di chuyển lên thuyền thúng để đưa vào bán cho các thương lái đang chờ sẵn ở bờ.
“Giá của 1 kg ruốc tươi hiện nay dao động từ 30 ngàn đến 40 ngàn đồng. Thuyền của tôi có 4 lao động, trừ chi phí mỗi người 1 triệu đồng và 2 thùng dầu, tôi thu về 4 triệu đồng sau 1 đêm”- ông Hòa cho hay.
Theo quan sát của chúng tôi, cùng thời điểm 5h sáng, tại khu vực bãi ngang ven biển Thọ Quang có đến gần 10 nhóm thu mua ruốc. Mỗi nhóm này có từ 5 đến 10 thương lái luôn túc trực, sẵn sàng mua ruốc từ các thuyền và thúng chai ngoài khơi đưa vào.
Để giúp chúng tôi hình dung số lượng thuyền đánh bắt ruốc khu vực Thọ Quang, ngư dân Nguyễn Hoà giới thiệu thêm: “Nhiều thuyền làm nghề này lắm. Riêng tại làng cá Thọ Quang đã có gần 20 thuyền. Dọc các làng cá ven biển của Đà Nẵng, tính sơ cũng gần 100 thuyền làm nghề này rồi. Khu vực đánh bắt là vùng biển ven bờ, trong đó nhiều nhất là dọc bán đảo Sơn Trà”.
Cũng theo ngư dân Nguyễn Hoà, có 2 cách đánh bắt ruốc là dùng đèn dụ ruốc vào lưới giăng sẵn và dùng lưới di chuyển cùng với đèn pha để thu hút ruốc rồi bắt ruốc bằng vợt lớn. Trong hai cách này, cách thứ hai thường hiệu quả hơn nhưng đòi hỏi người đánh bắt phải thường xuyên di chuyển thuyền đến những điểm có ruốc.
“Với khoảng thu nhập từ nghề này, ngư dân chúng tôi có thêm nguồn thu nhập từ biển trong những ngày đầu năm. Năm nay ruốc nhiều, được mùa nên mọi người ai cũng phấn khỏi”- ngư dân Nguyễn Hoà cho biết thêm.
Tất bật với... ruốc
Tay không ngừng dùng vá (muỗn, thìa) khoáy liên tục sạp ruốc cho đều nắng, bà Trần Thị Nương (75 tuổi), trú làng cá Mân Thái (Phường Mân Thái, quận Sơn Trà) mắt vẫn không rời sạp ruốc nói trong niềm vui: “Năm ngoái nghề ruốc tại đây mất mùa, ngư dân không có việc để làm. Còn năm nay, từ mồng Một tết, ruốc xuất hiện, nhiều nơi làm cho biển sậm màu nước. Để đóng ruốc (đánh bắt ruốc), ngư dân dùng thuyền nhỏ từ 50 suất ngựa trở lại cứ từ 5 đến 7h tối là ra khơi, chong đèn bắt ruốc. Ruốc bắt được trong đêm được đựng vào những thùng nhỏ, đến khoảng sau 3h sáng được đưa lên thuyền thúng chuyển vào bờ bán cho thương lái. Từ đây, ruốc được chuyển bán khắp các chợ trong thành phố”- bà Nương cho biết.
Nói về nghề làm mắm ruốc của mình, bà Nương tự hào chia sẻ, tôi năm nay 75 tuổi nhưng có nghề làm mắm ruốc hơn 50 năm. Từ khi lấy chồng về đây, năm nào vào tháng Giêng, hai vợ chồng bà cũng làm mắm bán cho các đại lý mắm khắp các chợ của thành phố Đà Nẵng. Những năm gần đây, khi du lịch phát triển, thương hiệu mắm ruốc “Bà Nương” được nhiều du khách đến mua lẻ, thậm chí có người là Việt Kiều sống tận bên Mỹ cũng mua về, sau đó đặt hàng để tôi gửi sang Mỹ cho họ. “Nhờ thế, nghề này cũng cho gia đình tôi khoản thu nhập nhất định. Tuy nhiên, nghề làm mắm ruốc đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu trong việc sàn lọc, vệ sinh ruốc trước khi đưa vào muối. Không chỉ vậy, công đoạn vất vả nhất là phơi ruốc dưới nắng. Để mắm thơm ngon, có màu bắt mắt phải phơi nhiều nắng và người phơi cứ 30 phút phải liên tục dùng muỗng khoáy ruốc để mắm đều nắng. Mỗi người có một kiểu làm với công thức về lượng ruốc và muối nhất định; từ đó cho ra được một loại mắm ruốc thơm, ngon và bắt mắt...”- bà Nương chia sẻ.
Theo ông Võ Tuấn, một ngư dân làm nghề đánh bắt ruốc và sơ chế ruốc tại phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), hiện nay giá ruốc khô từ 150 ngàn đến 200 ngàn/kg. Còn giá mắm thì dao động khoảng 80 ngàn đến 100 ngàn đồng/lọ (loại 400 g). Từ nhiều năm qua, mắm ruốc do người dân Đà Nẵng làm có nhiều thương hiệu nhưng thường gắn với chủ mắm là các cá thể gia đình. Riêng làng mắm Nam Ô (quận Liên Chiểu), mắm ruốc là một trong những thương hiệu nổi tiếng của làng mắm này từ vài chục năm về trước.
“Do ruốc sau khi đánh bắt về phải được sơ chế hoặc chế biến thành các sản phẩm như ruốc khô, bánh ruốc, mắm ruốc… đòi hỏi nhiều công đoạn và công phu nên các gia đình làm ruốc phải có nhiều nhân công. Vì thế, những năm được mùa ruốc như năm nay, cả làng cá mọi người lúc nào cũng tất bật với ruốc. Cả ngày phải vá lưới, chuẩn bị vợt, dầu, thuyền và gọi bạn (lao động) đi cùng. Từ 5 đến 7h tối hôm trước bắt đầu ra khơi. Sau một đêm thức trắng để đánh bắt, ngay trong sáng sớm hôm sau phải đưa ruốc vào bờ kịp bán cho các thương lái vận chuyển đi các nơi. Cùng trong guồng hoạt động làm ruốc, dưới trưa nắng, các bà, các chị tại các làng cá lại phơi ruốc trên mành lưới hoặc phải khoáy mắm để ruốc đều nắng. Mặc dù cực nhọc là thế nhưng mọi người ai cũng vui vì được nhận “lộc biển” mà”- ông Tuấn cho biết thêm.
Nắng đã lên cao, nhưng nhiều người ở làng cá Thọ Quang và Mân Thái vẫn đang tất bật với ruốc. Có lẽ cái nắng đầu xuân và "lộc biển" đầu năm làm cho mỗi ngư dân ở các làng biển thêm phần phấn chấn, vui tươi hơn. Niềm vui càng tô thắm thêm sắc xuân đang tràn ngập trên mọi nẻo đường./.