Những người thầm lặng làm đẹp đường phố
(ĐCSVN)- Khi mặt trời còn chưa lên, trong không gian yên ắng của buổi sớm, sương còn ngậm ướt sũng lá cây, ở ngoài kia tiếng chổi tre vẫn vang lên đều đều nhịp phách. Từ những con ngõ nhỏ, hay những đường rộng thênh thang… dấu chân, những giọt mồ hôi thấm đẫm bờ vai... công việc thầm lặng của họ đã góp phần làm đẹp đường phố xanh, sạch và đẹp.
Trên khắp các con đường của thành phố, những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn âm thầm ngày đêm làm sạch đẹp cho những con phố, con đường góp phần xây dựng đất nước tươi đẹp. Mỗi nghề đều có những nét đặc thù riêng. Nghề quét rác gắn liền với rác, với nắng mưa, với đường phố và bụi bặm. Hành trình với rác của họ như không dừng chân, không ngơi tay, vì phải quét dọn, lượm nhặt tất cả, thậm chí cả ý thức “thừa” của con người, thiên nhiên, để chào đón một ngày mới với những khung đường lại sạch sẽ, tinh tươm.
Những chiếc xe chở rác cao quá đầu người là hình ảnh dễ bắt gặp ở nhiều con đường trong các tuyến phố của thành phố Hà Nội.Trên mỗi cung đường, góc phố thường có một đến hai người đảm nhiệm dọn vệ sinh. Công việc chính của họ là quét sạch lòng đường, vỉa hè và thu gom rác thải ở nơi công cộng, khu dân cư. Nếu chỉ nhìn bằng ánh mắt thoáng qua, có lẽ ai cũng nghĩ công việc ấy khá “dễ dàng”. Nhưng có thử rồi mới biết, mới cảm nhận hết được những vất vả, nặng nhọc trong cái nghề này. Có một lần tôi đã thử công việc của nghề “quét rác” khi có dịp đi cùng một tốp lao động vệ sinh môi trường. Không dễ như trong tưởng tượng, cầm trên tay cái chổi dài gấp đôi người, tôi cố quét qua, quét lại được vài đoạn đã bị sức nặng của chổi làm “tê liệt” một phần cánh tay. Ấy vậy mà những người làm cái nghề này lại chưa bao giờ có một phút “oán than”.
Những đường chổi như một ma lực đi theo đúng quỹ đạo của nó, lá cây khô, đất cát hay rác thải dù nhiều hay ít cũng chỉ cần vai ba nhát chổi của người công nhân là đã sạch “tinh tươm”. Chị Thảo, một người đã “gắn bó” với nghề này nhiều năm nay, vừa đưa chổi đều đều vừa chia sẻ với chúng tôi: “Cái nghề này bạc bẽo lắm em ạ, vì các chị không được học hành đầy đủ nên phải bươn chải để mưu sinh thôi, mới đầu vào nghề thì cũng chưa quen đâu, vất vả lắm chứ, vừa phải thức khuya dậy sớm, lại làm việc bất kể nắng mưa, gió rét… Vất vả cũng chẳng sao đâu nhưng buồn hơn là có những lúc phải chịu những ánh mắt, những cái nhìn dè bỉu, chê bai…tủi lắm em ạ. Bây giờ làm riết rồi thì cũng thành quen, làm việc có các chị em cùng giúp đỡ nhau nên cũng được an ủi phần nào, nhiều khi còn vui lắm! ”. Sau khi nghe những giãi bày của chị cùng với ánh mắt hân hoan, nụ cười rạng rỡ trên đôi môi khô nứt nẻ, làn da đen xạm vì nắng gió, bụi bặm, tôi vừa cảm phục lại vừa xót xa. Thiết nghĩ, nếu như không có những con người này, cái nghề này thì môi trường xung quanh có được đẹp đẽ, trong sạch không?
Ngước lên quãng đường tiếp theo trên hành trình “làm đẹp” của các chị, nào là những chiếc lá rơi,nào là những chiếc túi bóng nilong, từng tờ giấy, vỏ trái cây ăn dở vứt bừa bãi trên đường…họ sẽ lại dọn dẹp sạch sẽ, sẽ lại mang đến bầu không khí trong lành hơn.
Công việc của họ diễn ra với những tuần suất ngày càng nhiều hơn, đôi khi mệt quá, họ dừng lại một lát cười nói cùng nhau, hoặc bất giác khi đói họ cũng lại bỏ nhanh mẩu bánh mang vội chưa kịp ăn vào miệng rồi ngay lập tức bắt tay trở vào công việc. Chị Thảo cười xòa cho hay, đây là món quà của một Bác ở chợ Đồng Tâm cho chị. Chị kể, “Nhiều bà con thật tình lắm, họ thấy công nhân quét rác cực nhọc quá nên có gì thì mang cho nấy, đa số là rau cải, trái cây.... Của ít lòng nhiều nhưng chị em công nhân chúng tôi cảm thấy thấy vui, cảm thấy ấm áp vì những tình cảm của họ!”.
Làm công nhân quét rác hầu như không có ngày nghỉ, chỉ cần nghỉ một buổi thôi, rác lại tràn ngập đường phố. Thế nên, dù trời có lạnh, hay lúc mưa to gió lớn thì những chiếc xe rác vẫn kẽo kẹt một cách chậm rãi để chắc chắn rằng những nơi mình đi qua không còn rác. Rồi khi chiều xuống, trong khi mọi gia đình đang sum vầy đấm ấm bên mâm cơm chiều thì tiếng chổi tre của các công nhân lại loẹt quẹt giữa không gian.
Tạm biệt chúng tôi, Chị Thảo lại đẩy chiếc xe rác trở về với công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của mình – Làm đẹp cho đời. Chúng tôi thầm cảm ơn các anh chị, những người đã vất vả, nhọc nhằn để phục vụ cho lợi ích của cộng đồng, đem đến cho chúng ta một bầu không khí trong lành hơn!./.