Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những bức điện mật trong Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ Hai, 25/03/2024 20:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong các cuộc chiến quân sự, việc truyền thông tin lãnh đạo, chỉ đạo được bí mật, chính xác và kịp thời luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng. Một mệnh lệnh quân sự được đảm bảo an toàn tuyệt đối thì trận chiến đó rất có thể sẽ thắng lợi, nhưng nếu mệnh lệnh bị lộ thì chắc chắn rằng trận chiến đó sẽ thất bại. Vì vậy, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’’ có sự đóng góp quan trọng của các bức điện mật được mã hóa và truyền đi được bí mật, kịp thời.

Bức điện đánh dấu bắt đầu giai đoạn kháng chiến đầy thách thức với lực lượng vũ trang, Đảng, Chính phủ vừa thành lập

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thực dân Pháp đã đánh chiếm Nam Bộ và từ tháng 6 năm 1946, chúng đã tiếp tục đánh chiếm ra miền Bắc (Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn). Đến cuối năm 1946, chúng ngạo mạn gửi tối hậu thư cho Chính phủ Việt Nam yêu cầu giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Thủ đô Hà Nội cho quân Pháp. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định cả nước triển khai kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cụ thể, trưa ngày 19/12/1946, cơ quan mật mã Bộ Tổng Tham mưu (nay là Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu, Quân đội Nhân dân Việt Nam) đã sử dụng kỹ thuật mật mã để mã hóa và truyền đi bức điện mật của Thường vụ Trung ương Đảng tới các khu, tỉnh, thành trong cả nước với nội dung: 

“Giặc Pháp đã gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của bộ đội, tự vệ, công an; Chính phủ đã bác tối hậu thư ấy, Như vậy, chỉ trong vòng 24 giờ, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Giờ chiến đấu đã đến! Hãy sẵn sàng…”

Bức điện ngắn gọn, nhưng rất đủ ý và rõ ràng cho một quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ ta trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Bức điện đã đánh dấu cho một thời kỳ kháng chiến đầy gian khổ nhưng rất tự hào của quân và dân ta để có được đất nước Việt Nam độc lập, tự do, phát triển và hội nhập quốc tế như ngày hôm nay.

Bức điện mật Mệnh lệnh tổng công kích tại Chiến dịch Điện Biên Phủ 

Trong suốt thời kỳ kháng chiến, đã có hàng ngàn bức điện mật mang nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và lực lượng vũ trang được lực lượng cơ yếu mã hóa, dịch mã và truyền đưa một cách bí mật và kịp thời phục vụ thắng lợi nhiều cuộc chiến quan trọng như: cuộc chiến đánh quân Tàu - Tưởng; đánh bọn phản động Quốc dân Đảng và bọn tay sai phản động (giai đoạn 1945-1946); phục vụ bộ đội Nam tiến; phục vụ công tác đối ngoại  (như phái đoàn ta ở Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Fontainebleau) từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1946...). Các bức điện mật đã góp phần quan trọng trong các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Việt Bắc năm 1947; chiến dịch Biên giới Thu - Đông và chiến dịch Trần Hưng Đạo năm 1950; chiến dịch Hoàng Hoa Thám đầu năm 1951; chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952; chiến dịch Thượng Lào năm 1953;... Đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng cơ yếu (khi đó chủ yếu là Phòng Cơ yếu Văn phòng Trung ương Đảng và Phòng Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu) đã đảm bảo truyền đưa các bức điện mật giữa Trung ương, Bộ Chỉ huy chiến dịch với các đơn vị chiến đấu tại mặt trận và với Liên khu 5, Trung Lào, Hạ Lào, Nam Bộ…

Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng và vẻ vang

Nhiệm vụ truyền đưa thông tin lãnh đạo, chỉ đạo được bí mật, chính xác và kịp thời đã được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta hết sức quan tâm ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa. Do đó, ngay sau 10 ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 12 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ đạo thành lập Ban Mật mã quân sự trực thuộc cơ quan Bộ Tổng Tham mưu để xây dựng hệ thống thông tin liên lạc mật sử dụng kỹ thuật mật mã.

Trong điều kiện kháng chiến với muôn vàn khó khăn và thử thách, Ban Mật mã quân sự đã nỗ lực nghiên cứu, tuyển chọn, tổ chức đào tạo, huấn luyện cán bộ, nhân viên làm công tác mật mã trong toàn quốc. Trong một lần đến thăm lớp mật mã Lê Hồng Phong tại rừng Bản Cọ, xã Yêu Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên vào ngày 09 tháng 5 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên và căn dặn cán bộ và học viên rằng: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang… các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”.

Sự động viên kịp thời cùng với sự chỉ đạo rõ ràng, cụ thể và mang tầm tư duy chiến lược cao của Hồ Chủ tịch đã giúp lớp cán bộ, nhân viên đầu tiên làm mật mã vượt qua mọi khó khăn, âm thầm cống hiến, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ hết sức bí mật và quan trọng. Do đó, tại Hội nghị mật mã toàn quốc vào tháng 2 năm 1951, hoạt động Mật mã được xác định là hoạt động cơ mật và trọng yếu, nên đã được đổi tên thành Cơ yếu và hoạt động theo phương châm “Bí mật, nhanh chóng, khoa học”.

Bức điện lệnh tổng tiến công quyết định thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Pháp

Trước tình hình quân Pháp triển khai hơn 16 ngàn quân tinh nhuệ và nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại để xây dựng pháo đài mạnh nhất Đông Dương mà theo họ là “bất khả xâm phạm” tại Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những chỉ đạo và quyết định hết sức đúng đắn, đầy tính nghệ thuật quân sự và mang tầm cỡ lịch sử cao để tạo lên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy khắp năm châu, chấn động địa cầu”.

Một cột mốc quan trọng là vào tối ngày 06 tháng 5 năm 1954, lực lượng cơ yếu đã sử dụng kỹ thuật mật mã để mã hóa và truyền đi bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ với nội dung bức điện ghi:

“1. Thời gian quy định đúng 8 giờ 30, không được chậm (1).

2. Đến 8 giờ rưỡi thì:

a/ Đồi A1 bộc phá.

b/ Pháo và H6 (2) bắn tập kích lần thứ nhất.

c/ Bộ binh các hướng đều xung phong.

d/ Hàng Cung (3) lập tức chế áp pháo địch.

3. Các nơi phải lấy giờ cho đúng.

8 giờ 15.

Ngọc (4).”

 

(1) – 8 giờ 30; (2) – H6 là mật danh của hỏa tiễn 6 nòng do Trung Quốc viện trợ; (3) – Tên địa danh Hồng Cúm; (4) – Ngọc là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đây là mệnh lệnh tổng công kích đợt cuối quyết định thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để ngay ngày hôm sau, vào lúc 19h ngày 7 tháng 5 năm 1954, trực tiếp đồng chí Nguyễn Hữu Thuận, Tổ trưởng tổ Cơ yếu, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mã hóa và chuyển bức điện của Tư lệnh Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung: 

"17 giờ 30 phút ngày 07 tháng 5, ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng”.

Bức điện đã đánh dấu kết thúc 09 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hy sinh nhưng cũng đầy anh dũng và tự hào của quân và dân ta. Báo hiệu một trang sử mới đầy hào hùng của dân tộc, khẳng định một hướng đi đúng đắn và sự lớn mạnh của Đảng, lực lượng vũ trang và dân tộc Việt Nam sau gần một thập niên giành độc lập.

Bảo mật thông tin trong thời đại Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số

Thực tế trong thời gian vừa qua cũng như dự báo trong thời gian tới, công tác bảo mật các thông tin trọng yếu luôn cần dựa trên nhiều yếu tố và kỹ thuật khác nhau. Trong đó, yếu tố về con người, nghiệp vụ và kỹ thuật mã hóa để bảo mật thông tin sẽ luôn đóng vai trò chủ yếu và quan trọng nhất. 

Ngành Cơ yếu Việt Nam trong thời đại Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số không chỉ trực tiếp nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các sản phẩm, dịch vụ bảo mật, xác thực thông tin bằng mật mã phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động mật mã dân sự, chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ các hoạt động giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước và cả lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cùng với các vấn đề an toàn thông tin mạng nói chung, vấn đề bảo mật và xác thực đã trở thành yếu tố quan trọng, đóng vai trò tiên quyết để phát triển chính phủ số và xã hội số một các thành công và bền vững.

Chiến tranh đã lùi xa trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng sự bất ổn về chính trị gia tăng tại khu vực và trên thế giới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và kỹ thuật đã tiếp tục đặt cho ngành khoa học bảo mật thông tin trở thành ngành khoa học cơ mật thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới. Nhận thức rõ vấn đề này, Bộ Chính trị đã tiếp tục chỉ đạo xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam phát triển theo phương châm cách mạng, chính quy và tiến thẳng lên hiện đại./.

TS. Nguyễn Như Tuấn (Ban Cơ yếu Chính phủ)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN