Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sáng mãi ký ức Điện Biên

Thứ Bảy, 04/05/2024 16:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hơn một năm trước, nhờ Hội cựu chiến binh (CCB) thành phố Đà Nẵng “bắc cầu”, tôi được gặp Đại tá Đỗ Thanh Hùng, sinh năm 1933, quê Thanh Hoá, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304), từng trực tiếp tham gia kéo pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Ông Đỗ Thanh Hùng nhập ngũ năm 17 tuổi, tham gia Chiến dịch khi mới bước sang tuổi 23 trong vai trò một Tiểu đội trưởng. Dù tuổi đã cao, sức khoẻ giảm sút nhiều nhưng ký ức về Điện Biên vẫn mãi in đậm trong tâm trí ông như một nét son chói lọi không bao giờ phai. 

Vượt “Dốc 7 tời”

Đầu tháng 1/1954, từ Phú Thọ, Trung đoàn 57 được lệnh cấp tốc hành quân lên Lai Châu tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Không thể tả xiết tinh thần của ông Hùng và đồng đội phấn chấn đến thế nào. Dọc đường hành quân, bộ đội vui mừng gặp hàng ngàn, hàng vạn dân công, người gánh, kẻ gồng hoặc đẩy xe đạp thồ chở nặng hàng ra mặt trận. Đến nơi, đơn vị được giao nhiệm vụ dùng sức người kéo pháo vào trận địa. Cấp trên thông báo, quân ta hoàn toàn có khả năng làm đường để xe ô tô trực tiếp kéo pháo nhưng như thế rất khó giữ được bí mật. Hiểu rõ chủ trương này, cán bộ, chiến sĩ ai nấy đều hăng hái bắt tay vào nhiệm vụ.

Đại tá Đỗ Thanh Hùng kể chuyện kéo pháo phục vụ chiến dịch (ảnh chụp năm 2020).

Đại đội của ông Hùng được giao kéo một khẩu 105mm vượt qua quãng đường dài hơn 10 cây số. Sử dụng những sợi dây tời to bằng cổ tay, buộc vào càng pháo, khi kéo bộ đội nắm chặt dây, xoạc chân chèo, nghe khẩu lệnh của người chỉ huy “Hai, ba nào!” tất cả gồng sức kéo, bánh pháo nhích đến đâu chèn ngay thanh gỗ to vào đến đó. Gặp đoạn đường tương đối bằng phẳng, việc kéo pháo khá nhẹ nhàng, ai cũng phấn chấn. Nhưng khi gặp đèo dốc, pháo chỉ nhích được từng gang, khá nặng nề, vất vả. Đặc biệt ở những đoạn dốc đứng, đơn vị phải buộc tời từ trên đỉnh dốc, trong khi người ở bên trên ra sức quay tời quấn vào những gốc cây to thì những người bên dưới cố hết sức đẩy lên từng tí một. Cả trăm con người ngả rạp rồi lại chồm lên như những lớp sóng dồn, quyết bắt pháo đi nhanh. Có chỗ dốc đến 70 độ, kéo pháo qua được nơi này phải đứt đến 7 sợi dây tời, nên anh em thường gọi vui là “Dốc 7 tời”.

Còn người còn pháo

Trải qua rất nhiều gian nan, Trung đoàn đã đưa được 4 khẩu pháo lớn vào trận địa. Đang háo hức chờ giờ nổ súng, trút hờn căm lên đầu quân thù, thì bất ngờ nhận được lệnh: “Kéo pháo ra, phải thật khẩn trương, bảo đảm an toàn tuyệt đối như lúc kéo pháo vào”. Bao băn khoăn thắc mắc nảy sinh trong tư tưởng của mỗi người, Chính trị viên tiểu đoàn đến từng đại đội phổ biến mệnh lệnh, giải thích dặn kẽ tỉ mỉ và động viên bộ đội chấp hành nghiêm phương châm tác chiến tiêu diệt địch chuyển từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc".

Kéo pháo vào đã gian khổ, hy sinh, kéo pháo ra càng gay go ác liệt, bởi lúc này địch đã phát hiện được đường kéo pháo của ta. Máy bay trinh sát của chúng thay nhau quần thảo, ném bom, bắn phá làm cháy rừng, thiêu trụi cây cối. Đêm đến, đại bác từ Mường Thanh bắn ra, khi cầm canh, lúc dồn dập vào những nơi chúng nghi ngờ. Nhưng bộ đội ta không hề nao núng, vẫn dũng cảm vượt qua lưới lửa, quyết tâm đưa pháo ra. Các cỗ pháo được ngụy trang kín đáo, việc chỉ huy kéo pháo cũng có kinh nghiệm hơn, cả đơn vị không ai lo lắng đến tính mạng của mình mà chỉ lo giữ gìn pháo.

Để kéo pháo xuống dốc đòi hỏi ghìm chặt đầu pháo và cho pháo lăn xuống từ từ, bởi một bên là núi cao, một bên là vực sâu, chỉ một phút lơi tay hoặc chèn không cân là có thể cả khối thép đồ sộ sẽ lôi theo hàng chục người xuống vực sâu. Khi ghìm dây thả pháo, số người đứng trước thì thay nhau chèn pháo, giữ cho khẩu pháo đi đúng hướng, đúng đường xuống dốc. Cứ thế vừa thả vừa chèn để pháo khỏi lao nhanh nhằm đảm bảo an toàn cho cả người và pháo. Lại có lúc phải đưa pháo qua những vực sâu thẳm mà chưa có đường, bộ đội lấy đá kè đắp thành đường cho pháo. Những khẩu hiệu “Dũng cảm kéo pháo, còn người còn pháo”, “Thà chết cũng không rời pháo”, “Dù bom rơi đạn nổ vẫn bảo vệ pháo đến cùng” đã trở thành quyết tâm sắt đá của bộ đội. Những chiến sĩ trung kiên nhất đã được kết nạp Đảng ngay trên đường kéo pháo.

Đang kéo pháo ra thì được nghe thông báo về tấm gương khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn bánh pháo. Gương quả cảm, anh dũng hy sinh ấy nhanh chóng được phổ biến cho toàn mặt trận học tập và có sức động viên rất to lớn đối với các đơn vị và từng chiến sĩ. Ở đại đội của ông Hùng, có đồng chí Giá lúc đang cố ghìm khẩu pháo xuống dốc đã bị càng pháo văng mạnh vào người, dù bị thương nặng song anh không buông tay, cố chịu đựng đau đớn, động viên đồng đội: “Cố ghìm, đừng để pháo lăn xuống vực!”. Trải qua hơn 10 ngày đêm ròng rã, bằng ý chí và quyết tâm thép, Trung đoàn 57 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kéo 4 khẩu pháo 105mm vào trận địa rồi lại kéo ra an toàn, bảo đảm ngày nổ súng mở màn chiến dịch đúng quy định.

Sáng mãi ký ức Điện Biên

Với CCB Đỗ Thanh Hùng, kỷ niệm về Điện Biên luôn gắn liền với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày ấy, biết được lính ta thèm thuốc lào, Đại tướng chỉ đạo Cục Quân nhu chuyển lên Tây Bắc 5 xe tải thuốc lào. Thuốc mua dưới xuôi đóng thành từng bánh được xé tơi ra chia thành từng phần nhỏ phát đến từng tiểu đội. Được hút thuốc lào, cán bộ, chiến sĩ rất phấn khởi, gọi là “Thuốc lào Đại tướng”.

Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu của TTXVN 

Ông Hùng còn tiết lộ vì sao đổi tên đệm từ Ngọc chuyển thành Thanh. Đó là ngày ở Điện Biên, ông có người bạn rất thân tên là Nguyễn Việt Thanh. Trận đánh ở cứ điểm Hồng Cúm, Nguyễn Việt Thanh hy sinh trên tay ông. Trước khi nhắm mắt, người bạn rút chiếc khăn mùi xoa của người yêu tặng, trao lại và nói hãy chuyển đến người con gái tên Thơm ở Thanh Hóa. Sau chiến thắng, ông Hùng trở về, cô gái đã khóc như mưa khi nghe tin người yêu hy sinh. 43 năm sau, ông về thăm lại, cô Thơm lúc này đã lấy chồng lên chức bà nội, ngoại, vẫn khóc nghẹn khi nhắc đến mối tình đầu…

Được chính “người trong cuộc” kể lại những ngày kéo pháo không thể nào quên ở Điện Biên, tôi về lục tìm trong kho tư liệu của mình hình ảnh những lần họp mặt CCB Điện Biên Phủ tại Đà Nẵng trước đây, thấy ông Hùng đảm đương vai trò Trưởng ban liên lạc, say sưa kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ, hồ hởi hát tặng đồng đội bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân bằng chất giọng hừng hực “lửa” chiến đấu: “Sắp tới nơi, còn một đợt nữa thôi/ Vai ướt đẫm sương đêm cùng mồ hôi/ Tới đích rồi, đồng chí pháo binh ơi/ Vinh quang thay sức người lao động/ Hò dô ta pháo ta vượt đèo/ Lòng quyết tâm sắt gang nào bằng”. Định “để dành” câu chuyện cảm động này đăng vào dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), thế nhưng ngày 1/3/2024 vừa qua, Đại tá Đỗ Thanh Hùng đã đi vào cõi vĩnh hằng. Bài báo này như nén tâm nhang thành kính dâng lên hương hồn ông, một CCB luôn sáng mãi những ký ức hào hùng về thời hoa lửa Điện Biên./.

Bài và ảnh: Đỗ Thị Ngọc Diệp

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN