Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhịp cầu kết nối các nền văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam

Thứ Tư, 12/06/2024 08:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Trong suốt chiều dài lịch sử, các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn có sự giao lưu văn hóa, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa. Các nét đẹp văn hóa được lưu giữ đậm nét trong những điệu múa dân gian truyền thống.

Múa dân gian là loại hình nghệ thuật được sáng tạo, lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt, tạo lên những sắc thái đặc trưng của nền văn hóa Việt. Đồng thời phản ánh tâm hồn, bản sắc mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử, các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn có sự giao lưu văn hóa, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa. Các nét đẹp văn hóa được hình thành và phát triển dựa trên đặc điểm của từng dân tộc, điều kiện lịch sử, điều kiện tự nhiên, môi trường cư trú, các thiết chế, chuẩn mực xã hội khi giao lưu giữa các nền văn hoá với nhau.

Các tộc người Việt lưu truyền tinh hoa văn hóa qua từng thế hệ, đời trước gìn giữ và trao truyền lại đời sau, thể hiện sự kế thừa, tôn trọng những giá trị cộng đồng và gia đình. Những đặc điểm nguồn cội đó đã hình thành nên nền văn hóa Việt Nam lâu đời, giàu bản sắc. Khởi nguồn từ 54 nền văn hóa, hợp thành nền văn hóa Việt Nam, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng cùng hòa quyện, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam. 

 Điệu múa Tung Tung Da Dá của đồng bào Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thế Dương.

Từ góc nhìn văn hóa, từ xa xưa múa dân gian đã không ngừng phát triển, từ điệu thức đơn giản đến phức tạp, từ quy mô ở một vùng mở rộng ra nhiều khu vực, phát triển với nhiều hình thức khác nhau trên khắp đất nước, trở thành một thành tố làm lên bản sắc văn hoá dân tộc. Nhìn nhận về văn hóa dân gian, các nhà nghiên cứu văn hóa có quan điểm, múa dân gian có 3 nhóm nội dung chính: cầu thần linh hoặc chào hỏi; sản xuất hoặc chiến đấu chống thiên tai, ngoại xâm; thể hiện tình yêu lao động, sản xuất.

Không gian thực hành múa dân gian rộng lớn, gần gũi, nơi để mọi người quây quần, đoàn kết nhau, không phân biệt độ tuổi, tầng lớp, giới tính, nổi bật như các điệu xoè của dân tộc Thái, xòe chiêng dân tộc Tày, múa Tân Tung Da Dá dân tộc Cơ Tu, múa cờ lau hội Hoa Lư, múa bài bông, múa Xuân Phả... nhiều điệu múa dân gian lưu truyền từ thế kỷ 15, làm lên sức hấp dẫn của văn hóa Việt Nam như rối cạn Tế Tiêu. Các tiết mục rối cạn do chính người nông dân dàn dựng, nghệ sỹ rối là nông dân, tạo tác con rối cũng là người nông dân. Bối cảnh trò rối là làng quê Việt Nam gắn liền với nền văn minh lúa nước.

Hiện diện trong đời sống tín ngưỡng, phản ánh lịch sử chống ngoại xâm của người Việt có hát múa Ải Lao (hội Gióng) - “kịch trường dân gian” là một bảo tàng sống về hệ tư tưởng, đạo lý, triết học. Những điệu múa, hát cổ quý báu trong hội Gióng đang lưu giữ nhiều lớp văn hóa - tín ngưỡng, làm lên bản sắc múa dân gian.

Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh đã nhận xét: Các điệu múa cổ mang ý nghĩa giáo dục con người vươn tới cái đẹp, cái thiện. Việc bảo tồn và phát huy múa cổ không chỉ là nhằm bảo tồn nghệ thuật múa dân gian, mà còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại.

N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN