Nhiều vi phạm trong tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú tại Thanh Hóa
(ĐCSVN) - Di lý bà Trương Mỹ Lan và 80 bị cáo vào TP. Hồ Chí Minh để xét xử; Nhiều trường vi phạm trong tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú tại Thanh Hóa; Liên hợp quốc không thông qua nghị quyết ngừng bắn tại Gaza... là những thông tin đáng chú ý trong ngày 22/2.
Di lý bà Trương Mỹ Lan và 80 bị cáo vào TP. Hồ Chí Minh để xét xử
Tính đến ngày 22/2, lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp đã hoàn tất quá trình di lý bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 80 bị cáo khác từ các trại tạm giam ở các tỉnh phía Bắc vào TP. Hồ Chí Minh. Việc này nhằm chuẩn bị cho phiên xét xử của TAND TP. Hồ Chí Minh diễn ra vào đầu tháng 3.
Bà Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo (trừ 5 bị cáo đang bị truy nã) trong vụ án bị truy tố về các tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Từ khi bị khởi tố, các bị can trong vụ án trên bị tạm giam tại các trại tạm giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Công an các tỉnh, thành phía Bắc.
Dự kiến ngày 5/3, TAND TP. Hồ Chí Minh sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm của vụ án. Thời gian xét xử kéo dài từ ngày 5/3 đến hết ngày 29/4. Tham dự phiên toà có 10 kiểm sát viên của Viện KSND Tối cao và Viện KSND TP. Hồ Chí Minh. Có gần 200 luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 86 bị cáo trong vụ án.
Ngoài ra, Toà cũng có quyết định triệu tập 2.404 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là các pháp nhân đứng tên vay, nhận tiền tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (tức SCB), các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước; cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại Ngân hàng SCB, thực hiện việc nộp, rút tiền; các cá nhân thuộc nhóm cán bộ Ngân hàng SCB và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phát đi thông báo kêu gọi 5 bị cáo là cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB đang bị truy nã có liên quan đến vụ án, sớm ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. 5 người bị truy nã gồm: Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT), Chiêm Minh Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc), Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT), Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Lâm Anh Vũ (nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành).
Bà Lan bị truy tố về 3 tội danh “Tham ô tài sản”, "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” và “Đưa hối lộ”. Đồng thời, bà Lan cũng là bị hại trong vụ án Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Capella) có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng truy tố, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85-91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có “quyền lực". Bà Lan đã thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của cá nhân. Bà Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; Thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Lan; Thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; cấu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm. Đồng thời, bà Lan cùng đồng phạm còn thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân....
Cáo buộc cho rằng, từ ngày 1/1/2012 đến 7/10/2022, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn. Cụ thể, từ ngày 1/1/2012 đến 31/12/2017, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến 17/10/2022, còn dư nợ 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.
Hành vi của bà Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 64.621 tỷ đồng. Từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền hơn 129.372 tỷ đồng.
Nhiều trường vi phạm trong tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú tại Thanh Hóa
Ngày 22/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa tổ chức đoàn kiểm tra tại 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Trung học cơ sở tại các huyện: Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Như Xuân.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trung học cơ sở Quan Hóa (Ảnh: Dân trí). |
Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú. Cơ quan chức năng xác định các nhà trường phân công một cán bộ quản lý được tập huấn về an toàn thực phẩm phụ trách việc tổ chức bếp ăn cho học sinh, nhưng chưa được đào tạo, tập huấn về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em; chưa thành lập bộ phận chăm sóc, nuôi dưỡng và xây dựng thực đơn hằng ngày cho học sinh.
Ngoài ra, định mức suất ăn cho học sinh đã được các trường thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh, tuy nhiên còn thấp, khó đảm bảo về dinh dưỡng cho các em (bữa sáng từ 5.000-8.000 đồng, bữa chính từ 16.000 đến 20.000 đồng). Khu vực nhà ăn của một số trường không có bảng nội quy; kho bảo quản thực phẩm sắp xếp lộn xộn. Một số khung cửa nhà ăn, nhà bếp hư hỏng, không có lưới chắn côn trùng; khu vực sơ chế, chế biến chật hẹp, chưa đảm bảo vệ sinh.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Trung học cơ sở huyện Như Xuân, cơ quan chức năng phát hiện việc bảo quản mẫu thức ăn chín để lẫn đồ sống. Tại thời điểm kiểm tra, các trường không cung cấp được giấy đăng ký vệ sinh thú y, kiểm dịch thực phẩm mới nhập; nhân viên nấu ăn ở một số trường chưa thực hiện đúng trang phục bảo hộ theo quy định...
Trước đó, sau khi báo chí có thông tin về một số vi phạm trong tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú trên địa bàn, ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin về việc vi phạm trong tổ chức bữa ăn cho học sinh nội trú trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, có biện pháp tăng cường, quản lý, rà soát tổ chức việc thực hiện các bữa ăn và chế độ, chính sách khác đối với trẻ em mầm non, học sinh bán trú, nội trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm (nếu có) theo đúng quy định...
Liên hợp quốc không thông qua nghị quyết ngừng bắn tại Gaza
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Qatar nhấn mạnh hành động xâm lược tàn bạo của Israel đang diễn ra ở Gaza liên tục phơi bày các tiêu chuẩn kép và lập trường khác nhau của cộng đồng quốc tế đối với các tội ác chiến tranh có hệ thống do sự chiếm đóng của Israel gây ra đối với người dân Palestine.
Tương tự, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jordan Sufyan Qudah tuyên bố việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ 3 không đưa ra nghị quyết chấm dứt cuộc chiến khốc liệt ở Gaza phản ánh sự bất lực của quốc tế trong việc ngăn chặn thảm họa nhân đạo do cuộc chiến tranh xâm lược mà Israel gây ra. Ông Sufyan Qudah nhấn mạnh các quy tắc của luật pháp quốc tế phải được áp dụng một cách công bằng và không thiên vị, đồng thời cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải thực hiện nghĩa vụ của mình bằng cách thông qua nghị quyết chấm dứt cuộc chiến đẫm máu ở Gaza, đã cướp đi sinh mạng của hơn 29.000 người vô tội, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Trước đó, sáng 20/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp và bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết về tình hình xung đột tại Gaza. Dự thảo nghị quyết nhận được 13 phiếu thuận, 1 phiếu chống (Mỹ) và 1 phiếu trắng (Anh). Do phản đối của Mỹ, nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, nên dự thảo đã không được thông qua.
Lý giải cho quyết định bỏ phiếu chống, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết dự thảo không đưa đến nền hòa bình bền vững, kéo dài thời gian giam giữ đối với con tin và làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo.
Đại diện các nước Hội đồng bảo an cũng bày tỏ quan điểm về kết quả bỏ phiếu. Đại sứ - Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc Zhang Jun nhìn nhận việc Mỹ phủ quyết dự thảo là thông điệp sai lệch, đẩy Gaza tới khủng hoảng trầm trọng hơn ở thời điểm người dân Palestines đang ở vào tình thế khốn cùng.
Đại sứ - Trưởng phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia chỉ trích quyết định của Mỹ, nhấn mạnh dự thảo mà Mỹ đề xuất không thể thay thế các giải pháp được đưa ra trong dự thảo của Algeria, vì thiếu điểm mấu chốt nhất là ngừng bắn lâu dài./.