Nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục
(ĐCSVN) - Nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến các mức nhiệt cao kỷ lục. Đây cũng là những bằng chứng mới nhất về tác động của biến đổi khí hậu.
Những người vô gia cư nằm nghỉ dưới gầm cầu để tránh cái nóng vào một buổi chiều hè nóng bức ở New Delhi, Ấn Độ (Ảnh: AFP) |
* Ngày 1/9, giới chức Ấn Độ cho biết, tháng 8 là tháng nóng nhất và khô nhất kể từ khi nước này bắt đầu theo dõi nhiệt độ cách đây hơn 1 thế kỷ, cho dù tháng 8 là thời điểm gió mùa - vốn mang lại 80% lượng mưa của nước này hàng năm. Tuy nhiên, bất chấp những trận mưa lớn gây lũ lụt chết người ở miền Bắc hồi đầu tháng, tổng lượng mưa của Ấn Độ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình.
Theo Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD), lượng mưa trung bình trong tháng 8 vừa qua tại nước này chỉ đạt 161,7 mm, thấp hơn 30,1 mm so với mức thấp kỷ lục ghi nhận hồi tháng 8/2005. Với hàng triệu nông dân phụ thuộc vào gió mùa để trồng trọt, những cơn mưa mùa hè rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sinh kế của Ấn Độ.
* Nhật Bản ngày 1/9 cũng thông báo, nước này trải qua mùa hè nóng nhất kể từ khi bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1898. Theo Cơ quan Thời tiết Nhật Bản, nhiệt độ trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua "cao hơn đáng kể" so với mức trung bình tại miền Bắc, miền Đông và miền Tây nước này. Ở nhiều nơi, “không chỉ nhiệt độ tối đa mà cả nhiệt độ tối thiểu” cũng đạt mức cao kỷ lục.
* Trong khi đó, Australia đang trải qua mùa đông “ấm” kỷ lục, với nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua là 16,75 độ C. Cục Khí tượng Australia (BOM) cho biết ngưỡng nhiệt này cao hơn kỷ lục vào năm 1996 và cũng là mức nhiệt trung bình mùa Đông cao nhất kể từ khi nước này theo dõi dữ liệu vào năm 1910.
Có thể thấy năm 2023, Trái Đất chịu tác động rõ rệt bởi tình trạng biến đổi khí hậu, với tháng 7 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu tạo ra những đợt nắng nóng cực đoan hơn, kéo dài hơn và thường xuyên hơn và El Nino có thể làm trầm trọng hơn tình trạng này.
Sóng nhiệt là một trong những mối nguy hiểm tự nhiên đáng ngại nhất, với hàng trăm nghìn người chết vì các nguyên nhân liên quan đến nhiệt có thể phòng ngừa được mỗi năm. Ở các nước phát triển, các biện pháp thích ứng bao gồm điều hòa không khí có thể giúp giảm thiểu tác động.
Tuy nhiên, ngay cả ở Nhật Bản - một quốc gia phát triển, chính quyền cho biết ít nhất 53 người chết vì say nắng trong tháng 7, trong đó gần 50.000 người cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Các chuyên gia cảnh báo người già, trẻ em và những người lao động ngoài trời là đối tượng dễ bị tổn thương do nắng nóng. Ngay cả một người trẻ có sức khỏe tốt cũng có thể tử vong nếu phải chịu mức nhiệt lên tới 35 độ C trong vòng 6 giờ cùng với độ ẩm 100%./.