Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều mô hình sản xuất mới giúp đồng bào Khmer ở Bạc Liêu thoát nghèo

Thứ Tư, 02/12/2015 14:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Để giúp đồng bào Khmer chủ động lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp, các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đã cử cán bộ xuống cơ sở mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng; hỗ trợ kinh phí mua cây, con giống cho từng hộ.

Anh Sơn Phanh Nha (huyện Hòa Bình) chăm sóc rẫy màu. (Nguồn: baobaclieu.vn)

 Hàng tháng, các hội, đoàn thể của địa phương tổ chức đi thăm hỏi và nắm bắt tình hình đối với các hộ được hỗ trợ để kịp thời giúp đỡ, xử lý khi có dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lương Ngọc Lân cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới như mô hình cánh đồng mẫu lớn, trồng rau sạch (IPM), chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi tôm thâm canh trong nhà kính… Các mô hình này đã góp phần thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân.

Đến nay các địa phương trong tỉnh đã xây dựng 45 mô hình sản xuất có hiệu quả để làm điểm nhân rộng nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp. Điển hình như mô hình sản xuất lúa theo hướng liên kết cánh đồng mẫu lớn; nuôi tôm và vịt theo hướng an toàn sinh học, mô hình tôm - lúa; mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, cá điêu hồng, cá lóc mùng, nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; mô hình nuôi tôm càng xanh xen tôm sú theo hướng GAP; mô hình trồng nấm rơm, bắp lai, dưa hấu không hạt, rau an toàn, măng tây, ngò rí, hẹ;… giúp nhiều hộ Khmer có nguồn thu nhập ổn định, qua đó giúp họ tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi lợn thương phẩm do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Bạc Liêu phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức, ngoài con lợn giống được hỗ trợ, chị Lâm Thị Dol (ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) đã mua thêm 2 con lợn về nuôi. Nhờ kiến thức tiếp thu qua lớp tập huấn, chị Dol chủ động tiêm phòng cho đàn lợn cũng như lựa chọn nguồn thức ăn phù hợp theo giai đoạn phát triển của chúng. Qua hơn 2 tháng nuôi, đàn lợn của chị Dol đang phát triển rất tốt và có thể xuất bán. Chị Dol chia sẻ: “Nhờ tham dự các lớp tập huấn mà tôi có thêm những kiến thức bổ ích để áp dụng vào sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình”.

Không chăn nuôi như chị Dol, nhưng nhiều năm nay, nhờ tận dụng diện tích đất trống trên các bờ bao ruộng lúa và chuyển đổi 1,5 công đất trồng lúa sang trồng màu nên gia đình anh Sơn Phanh Nha (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình) đã có cuộc sống khấm khá hơn.

Năm 2009, sau khi được tập huấn về kỹ thuật canh tác hoa màu và cùng với kinh nghiệm bản thân, anh Nha đã canh tác vụ màu (dưa hấu) đầu tiên. Nhờ áp dụng các quy trình kỹ thuật và chịu khó chăm sóc, vụ dưa đầu tiên anh lãi hơn 3 triệu đồng. Từ thành công đó, anh quyết tâm cải thiện kinh tế gia đình từ trồng màu. Mùa nào rau ấy, rẫy nhà anh quanh năm luôn xanh tốt và cho thu nhập ổn định từ 0,8 - 1 triệu đồng/tháng. Anh Nha bày tỏ: “Trước đây, do không biết lợi ích từ trồng màu nên tôi bỏ đất trống rất nhiều. Từ khi được chính quyền địa phương vận động dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng hoa màu, tôi rất phấn khởi và áp dụng. Thấy tôi trồng màu hiệu quả nên nhiều hộ trong xóm cũng làm theo, không ai bỏ đất trống như trước”.

Các mô hình kinh tế hiệu quả được các địa phương trong tỉnh khuyến khích đồng bào Khmer áp dụng đã giúp cải thiện đời sống của nhiều hộ gia đình. Bà Trần Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hòa Bình cho biết: “Những năm qua, đời sống của đồng bào Khmer trên địa bàn được nâng lên về mọi mặt. Nhiều hộ đã chủ động áp dụng mô hình mới vào sản xuất, cho thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiều công trình, phần việc trong xây dựng nông thôn mới”.

Tại Bạc Liêu, công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Nhiều giải pháp thoát nghèo mang tính bền vững như phân công đảng viên Khmer nhận đỡ đầu hộ nghèo, tặng phương tiện sản xuất, cất nhà tình thương, đào tạo nghề, tập huấn khoa học - kỹ thuật… đã từng bước giải quyết khó khăn về đời sống kinh tế của hộ nghèo người Khmer.

Những chính sách chăm lo đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước và ý thức vươn lên của đồng bào Khmer đã góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt phum sóc; điện, đường, trường, trạm và nước sạch đã được đầu tư đồng bộ theo hướng kiên cố, vững chắc. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, gần 3.000km đường giao thông được đầu tư xây dựng; hơn 95% số hộ Khmer sử dụng điện lưới quốc gia, nước hợp vệ sinh; 34/50 xã vùng có đông đồng bào dân tộc được nhựa hóa, bê-tông hóa, góp phần phát triển kinh tế, giao thương, giúp việc đi lại của bà con vùng sâu, vùng xa thuận tiện./.

Cao Thăng/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN