Nhiều hộ dân ở xã Hồng Quang mua phải hàng không rõ nguồn gốc giá cao
(ĐCSVN)- Các cơ quan truyền thông ở Hưng Yên đã nhiều lần phản ánh về tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng các ngành chức năng và địa phương cấp phép về nông thôn để trưng bầy, giới thiệu sản phẩm nhưng lại bán một số hàng không rõ nguồn gốc với giá rất cao cho bà con nông dân, nhưng vì nhẹ dạ, nhiều người dân vẫn mua phải các mặt hàng này. Phản ánh tại xã Hồng Quang huyện Ân Thi.
Trong vòng hơn một năm qua, gia đình ông Trần Văn Dương và bà Phạm Thị Miền ở thôn Vũ Dương xã Hồng Quang đã bỏ ra hơn 5 triệu đồng để mua ba thiết bị là máy vật lý trị liệu 3,5 triệu đồng, máy ô zôn để sục rau quả và thực phẩm 1,5 triệu đồng và ổ cắm điện, có khuyến mại một bóng đèn compac giá 300 nghìn đồng. Riêng về thiết bị vật lý trị liệu thì khó đoán được giá vì ngoài thị trường ít cửa hàng bán mặt hàng này. Còn lại máy sục ô zôn và ổ cắm điện thì giá thành rất cao so với các cửa hàng của tỉnh. Ví dụ, một máy ô zôn cùng loại ở cửa hàng bên ngoài chỉ khoảng 700 nghìn đồng, ổ cắm điện giá khoảng 50 nghìn đồng.
Không riêng gia đình ông Dương, mà tại xã Hồng Quang hàng trăm người đã mua phải những mặt hàng giá cao không rõ nguồn gốc. Khi thấy chúng tôi về ghi hình, nhiều người rất bức xúc và mang các sản phẩm mới mua ra để phản ánh. Chủ yếu là bếp hồng ngoại, nồi cơm điện, ổ cắm và một số sản phẩm tiêu dùng khác. ( Hình trôi lời nói bức xúc của người dân 10 giây….)
Qua tìm hiểu được biết, các sản phẩm này được Cty Hoàn Cầu có địa chỉ tại thủ đô Hà Nội được Sở Công thương và UBND huyện Ân Thi cấp phép cho về các địa bàn nông thôn để trưng bầy và giới thiệu sản phẩm là nồi cơm điện từ ngày mồng 3 tháng 6 đến mồng 3 tháng 7 năm nay. Trong giấy giới thiệu của huyện Ân Thi thông báo là chỉ cho trưng bầy và giới thiệu sản phẩm, nhưng nhờ mồi chài bằng các chiêu khuyến mại sản phẩm đi kèm cũng như quảng cáo là các sản phẩm này chỉ được bán trong một ngày, và không có nơi khác bán nên nhiều người dân ở các vùng nông thôn đã cả tin mua với giá rất cao, cụ thể là 2 triệu 750 đồng một chiêc bếp hồng ngoại. Thậm chí đây đều là những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được niêm yết giá trên sản phẩm theo quy định của ngành chức năng.
Ngoài việc bán hàng tiêu dùng, một số đơn vị còn lợi dụng vào việc đến khám bệnh miễn phí để bán các loại thuốc đông y cho người dân thông qua Hội Người cao tuổi và Hội phụ nữ xã. Nhiều lãnh đạo địa phương cũng rất bức xúc vì họ không thể quản lý được giá thành và chất lượng sản phẩm, cũng như phương thức bán hàng, bởi các ngành chức năng và UBND huyện, thành phố viết giấy giới thiệu về nên các xã buộc phải cho cho doanh nghiệp bán hàng.
Việc đưa các loại hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước về nông thôn sản xuất là một chủ trương đúng của Chính phủ, nhưng làm sao để người dân được sử dụng hàng trong nước và đúng giá lại là câu chuyện của các ngành chức năng như Quản lý thị trường và cảnh sát kinh tế. Nếu như các đơn vị này làm nghiêm túc, trong việc kiểm tra nguồn gốc hóa đơn, xuất xứ, niêm yết giá sản phẩm, cũng như tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng của các sản phẩm đó thì sẽ hạn chế được rất nhiều việc doanh nghiệp lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân để bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng giá thành rất cao mà lại không có tác dụng nhiều trong cuộc sống.