Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nhiều điểm mới trong triển khai, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020

Thứ Năm, 12/10/2017 14:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vừa qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-UBDT, quy định chi tiết thực hiện Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020

 

Công trình mương thủy lợi được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 135

 tại thôn Huổi Cuổng, xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Trần Quỳnh)

Thông tư quy định cụ thể về phân bổ vốn và lập kế hoạch thực hiện chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, các nội dung, cơ chế về hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán vốn; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổ chức thực hiện Chương trình.

Theo đó, về nguồn vốn, ngân sách trung ương (NSTƯ) hỗ trợ tổng mức vốn hằng năm và cả giai đoạn cho từng tỉnh để thực hiện Chương trình theo Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Điểm mới trong nội dung thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 là UBND tỉnh được dành tối đa 30% nguồn vốn đầu tư hàng năm để tập trung đầu tư một số công trình mới đáp ứng nhu cầu và tính cấp thiết tại các xã, thôn thuộc Chương trình.

Các công trình được bố trí vốn ngân sách Nhà nước của Chương trình phải hoàn thành dứt điểm, thời gian thực hiện tối đa không quá 2 năm và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ngoài ra, các công trình có sử dụng trên 50% nguồn vốn ngân sách Nhà nước của Chương trình phải gắn biển ghi tên công trình thuộc “Chương trình 135” và các thông tin cơ bản của chủ đầu tư, đơn vị thi công, tổng vốn đầu tư, quy mô công trình và thời gian thực hiện.

Một nội dung đáng chú ý khác được đề cập tại Điều 4 của Thông tư quy định việc lập kế hoạch thực hiện chương trình phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách hàng năm và phải có sự tham gia của các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng và hộ dân được hưởng lợi. Đặc biệt, tỷ lệ nữ dự họp triển khai các kế hoạch thuộc Chương trình 135 không dưới 30%...

Thông tư cũng quy định rõ, thực hiện Chương trình có sự đóng góp của cộng đồng và người dân về công lao động, vật liệu tại chỗ, hiến tặng đất và tài sản trên đất, tiền mặt và các hình thức đóng góp khác; mức đóng góp, phân bổ đóng góp để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình do cộng đồng dân cư thống nhất, phù hợp với khả năng của cộng đồng và người dân hưởng lợi. Không huy động đóng góp bằng tiền đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình. Cộng đồng tự thỏa thuận về chế độ miễn, giảm đóng góp đối với các trường hợp khó khăn.

Ngoài ra, việc thực hiện Chương trình cũng phải thực hiện trên cơ sở tạo việc làm công trong xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng. Theo đó, người dân được trả tiền công theo thỏa thuận sử dụng lao động với đại diện đơn vị thi công khi tham gia lao động vượt quá mức đóng góp đã thống nhất trong thôn và ghi trong hồ sơ xây dựng công trình được phê duyệt; Đơn vị thi công trả tiền công trực tiếp cho người lao động khi huy động nhân công địa phương trong các công việc do mình phụ trách. Mức trả công cho người lao động không thấp hơn mức tiền công (sau khi đã trừ các khoản thuế) được xác định trong hồ sơ xây dựng công trình được phê duyệt.

Thông tư gồm 18 điều chính thức có hiệu lực từ ngày 25/6/2017.

Thương Huyền

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN