Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn - lý luận và thực tiễn
(ĐCSVN) - Kết quả Hội thảo khoa học “Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn - lý luận và thực tiễn” là căn cứ khoa học để Tổng LĐLĐ Việt Nam sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Luật Công đoàn năm 2012.
Ngày 8/10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn - lý luận và thực tiễn”.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Công đoàn Việt Nam vừa là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa là tổ chức đại diện bảo vệ người lao động.
Qua từng giai đoạn cách mạng, Công đoàn Việt Nam có những nhiệm vụ phù hợp. Giai đoạn hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp Công đoàn theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp với đặc thù từng cấp và sự phát triển của thị trường lao động; đảm bảo linh hoạt, chủ động, thích ứng, đủ năng lực để cạnh tranh với tổ chức đại diện khác của người lao động, chăm lo bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người lao động là hết sức quan trọng.
Với 25 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn đến từ các cơ quan, tổ chức và cán bộ Công đoàn các cấp (cả phía Bắc và phía Nam), kết quả Hội thảo là căn cứ khoa học để Tổng LĐLĐ Việt Nam sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Luật Công đoàn năm 2012.
TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho rằng, Công đoàn Việt Nam, cũng như các tổ chức công đoàn trên thế giới, cần mang dấu hiệu chung của mọi tổ chức đại diện đó là: có tính chất đại diện và chức năng bảo vệ người lao động. Tính chất đại diện dùng để xác định có phải là tổ chức chính danh của người lao động hay không. Chức năng bảo vệ dùng để xác định có hoàn thành sứ mệnh, hoàn thành nhiệm vụ mà người lao động uỷ quyền hay không. Chức năng bảo vệ người lao động là chức năng bẩm sinh, vốn có của tổ chức công đoàn. Vì vậy, tổ chức và hoạt động công đoàn phải bảo đảm tính đại diện và nhiệm vụ của công đoàn là phải nhằm hoàn thành chức năng bảo vệ người lao động.
Hội thảo khoa học “Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn - lý luận và thực tiễn” thu hút 25 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn |
PGS.TS Dương Văn Sao, Trường Đại học Công đoàn đặt vấn đề, việc xác định nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam cần dựa trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của đất nước; quy định của pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức Công đoàn và yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong từng thời kỳ. Công đoàn cần bám sát để thực hiện nhiệm vụ chính trị, qua đó tạo điều kiện đảm bảo để bảo vệ quyền lợi người lao động tốt hơn.
TS Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Quan hệ lao động cho rằng, đoàn viên là nền tảng sức mạnh, quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi tổ chức công đoàn. Động lực để đoàn viên tham gia, gắn kết với tổ chức công đoàn là những lợi ích cốt lõi trong quan hệ lao động, đó là tiền lương, thu nhập, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và những phúc lợi khác từ người sử dụng lao động.
GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề xuất, những năm tới, tổ chức công đoàn cần đảm bảo quyền làm chủ của công nhân và người lao động; Tham gia với Nhà nước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và trách nhiệm của công dân và người lao động, coi trọng công tác tổ chức thực hiện pháp luật cho doanh nghiệp và người lao động.