Nhẹ dạ hay nặng lòng tham?
(ĐCSVN) - Gần đây, liên tục những sàn giao dịch ngoại hối đã bị lực lượng chức năng triệt phá. Tuy nhiên, việc có thể xóa sổ hoàn toàn các sàn ngoại hối có hành vi lừa đảo với nhiều hệ lụy này hay không lại không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực truy quét của lực lượng chức năng, mà còn nằm ở quyết định, nhận thức của những người tham gia...
Triệt phá thành công sàn giao dịch ngoại hối Hitoption tại Hải Phòng. (Ảnh: CA Hải Phòng) |
Ở Việt Nam hiện có khoảng 240 sàn giao dịch vàng, ngoại hối trái phép, thu hút hàng chục ngàn người tham gia, với số tiền giao dịch tại các sàn lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.
Với nỗ lực và quyết tâm truy quét, thay vì chỉ dừng lại ở việc cảnh báo như trước đây, cơ quan chức năng đã mạnh tay hơn đối với các sàn núp bóng kinh doanh để lừa tiền của người tham gia. Kết quả là lực lượng công an liên tiếp triệt phá một loạt các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo đa cấp có hành vi lừa đảo.
Gần đây nhất, Công an thành phố Hải Phòng phối hợp các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục triệt phá 16 sàn ngoại hối, tiền ảo theo phương thức đa cấp lừa đảo. Lần này quy mô vụ án lớn hơn rất nhiều và chuyên án thậm chí được xem là lớn nhất từ trước tới nay. Bắt đầu từ việc qua điều tra, Phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Hải Phòng phát hiện sàn Hitoption giao dịch ngoại hối trên không gian mạng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ở đó, nhiều nhà đầu tư ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đổ vào sàn Hitoption một lượng tiền lớn.
Qua công tác đấu tranh, Nguyễn Thế Dương (sinh năm 1996) cùng với Nguyễn Văn Quyền (sinh năm 1983) đã khai nhận, lập nên sàn giao dịch ngoại hối Hitoption.net, sử dụng chế độ chơi tự động để đặt lệnh thay cho việc khách hàng tự giao dịch.
Trích suất sơ bộ 16 sàn giao dịch điện tử khác do các đối tượng quản trị, cơ quan công an xác định có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỷ đồng. Tổng số tiền đã rút ra là 611 tỷ đồng.
Trước đó, vào trung tuần tháng 5/2021, Công an thành phố Hà Nội cho biết vừa phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá thành công ổ nhóm đối tượng có hành vi tổ chức xây dựng, quản trị và điều hành bốn sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép, gồm: Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss.
Bên cạnh các sàn bị triệt phá, còn có những sàn tự sập, điển hình như vụ sập sàn ngoại hối Fxtradingmarkets (FX Trading Markets Limited). Tuy nhiên, hiện tượng trên đang dấy lên nghi ngờ “ve sầu lột xác”. Bởi lẽ, các đối tượng quản trị sàn FXTradingmarkets có dấu hiệu tạo lập sàn giao dịch ngoại hối mới tại địa chỉ website sp500stock.com đăng ký ẩn danh từ cuối năm 2020 với giao diện và chức năng tương tự sàn FXTradingmarkets.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), đây là mô hình đầu tư kiểu Ponzi - một hình thức lừa đảo thu hút các nhà đầu tư và trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư trước đó bằng tiền từ các nhà đầu tư gần đây hơn, đang nổi lên trong thời gian qua. Mô hình này khiến nạn nhân tin rằng lợi nhuận đến từ việc bán sản phẩm hoặc các phương tiện khác, và họ vẫn không biết rằng các nhà đầu tư khác là nguồn tiền, với hứa hẹn lãi suất rất lớn, gấp nhiều lần lãi suất thông thường do các tổ chức tín dụng áp dụng để lừa đảo.
Mô hình này thường yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ người tham gia góp vốn đầu tư liên tục và sụp đổ khi có một lượng lớn các nhà đầu tư đã tham gia đột nhiên rút vốn hoặc không thể kêu gọi thêm nhà đầu tư mới. Tiền đầu tư hoặc góp vốn thay vì được sử dụng để tái đầu tư sinh ra lợi nhuận để trả lãi thì lại được dùng để trả cho nhà đầu tư trước đó và bản chất không có bất kỳ hoạt động đầu tư sinh lời nào.
Đặc biệt, việc các đồng tiền ảo, như Bitcoin, được chấp nhận sử dụng tại một số quốc gia như một loại tiền và có thể được giao dịch trên các sàn giao dịch trực tuyến hoặc được sử dụng để mua hàng hóa hoặc dịch vụ có thể dẫn tới nguy cơ những kẻ lừa đảo sử dụng mô hình Ponzi để thu hút các nhà đầu tư vào các loại tiền ảo tương tự.
Trong lịch sử, vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi lớn nhất tính đến nay do Berni Madoff - một trùm kinh doanh tài chính phố Wall cầm đầu. Các nạn nhân đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã bị lừa với số tiền thiệt hại lên tới 65 tỷ USD. Để tăng độ hấp dẫn, những người tổ chức mô hình Ponzi thường sử dụng những dự án liên quan đến các sản phẩm công nghệ mới để thu hút các nhà đầu tư.
Thực tế, như tại sàn Hitoption vừa bị triệt phá, chủ sàn quảng cáo đây là sàn có xuất xứ từ Vương quốc Anh, cam kết lãi suất ổn định từ 6-15%/tháng nếu ủy thác cho robot tự động đánh và người chơi có thể rút tiền vốn và lãi về bất kỳ lúc nào. Đồng thời, để mở rộng quy mô hoạt động, sàn này đã thuê gần 100 nhân viên gọi điện hoặc thông qua mạng xã hội để quảng cáo, môi giới, tư vấn người đầu tư tham gia sàn, khi có khách hàng nạp tiền đầu tư thì nhóm môi giới sẽ được hưởng hoa hồng từ 1 - 6%.
Về mặt pháp lý, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, ngoài việc cố tình lừa đảo thì các sàn giao dịch ngoại hối hiện nay vẫn còn có nhiều rủi ro khác. Bởi lẽ, tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ khiến thị trường chỉ cần biến động nhỏ cũng có thể tác động mạnh đến tài khoản của nhà đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư không có quyền lựa chọn việc sử dụng đòn bẩy hay không vì đây gần như là bắt buộc khi tham gia hình thức này.
Cùng quan điểm này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, các sàn ngoại hối trái phép với lời hứa hẹn lãi suất khủng, hàng trăm phần trăm mỗi năm đều là phương thức lừa đảo, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để chiếm đoạt tài sản, thậm chí còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với nhà đầu tư khi tham gia.
Trước đây, những kẻ lừa đảo hay sử dụng những chiêu bài trong lĩnh vực hụi, vay với lãi suất cao để huy động tiền. Nhưng ngày nay, đã có “chiếc áo” hiện đại và hào nhoáng là phương tiện công nghệ để lừa đảo khiến nhiều người ít hiểu biết rất dễ bị choáng ngợp rồi dẫn đến “giao trứng cho ác”.
Chẳng ai biết được tới đây còn có bao nhiêu sàn giao dịch vàng, ngoại hối trái phép sẽ được mở ra và sẽ còn bao nhiêu người nhẹ dạ tham gia rồi gánh nợ nần, mất mát và những hệ lụy khôn lường.
Vấn đề đặt ra là những người tham gia có phải ít hiểu biết và không lường trước những hệ lụy tiềm ẩn khi tham gia với ảo vọng kiếm lời hay không?
Thực tế cho thấy, phần lớn người tham gia khi được hỏi đều biết những cảnh báo của các cơ quan chức năng, đều có những tìm hiểu nhất định về các mô hình này. Vậy tại sao còn tham gia?
Đơn giản chỉ vì ai cũng được thủ thỉ, bạn là nhà đầu tư sớm nên có nhiều cơ hội! Và khi mà mang nặng lòng tham thì ai cũng nghĩ, mình nên tham gia trước, hưởng lợi rồi nhanh chóng rút ra trước để người sau chịu thiệt.
Thế là, với lòng tham đưa đường dẫn lối tới sự xuống tiền một cách mù quáng, sẽ chẳng có giải pháp hiệu quả nào để ngăn chặn thiệt hại. Giải pháp nếu có, chỉ có thể là tự bản thân mỗi người liên quan phải tỉnh táo khắc chế lòng tham trước những lời mời mọc hứa hẹn “ngồi mát ăn bát vàng” với mức lợi nhuận lên đến hàng chục phần trăm mỗi tháng.
Chỉ khi nào không còn những ảo tưởng vào sự giàu lên nhanh chóng, không còn những mơ mộng tỷ phú chỉ sau một đêm, khi đó những sàn ngoại hối trái phép mới thực sự không còn đất sống./.